Phát triển thể thao quần chúng để nâng cao đời sống tinh thần

.

Ngày 1-12-2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao (TD-TT) đến năm 2020”. Trong đó đặt ra mục tiêu mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TD-TT quần chúng. Báo Đà Nẵng cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao về nội dung này.

Việc duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc như Võ Cổ truyền (ảnh) luôn được ngành TD-TT quan tâm với mục tiêu gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: ANH VŨ
Việc duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc như Võ Cổ truyền luôn được ngành TD-TT quan tâm với mục tiêu gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: ANH VŨ

* Ngành TD-TT thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện như thế nào để phong trào thể thao quần chúng phát triển đúng với định hướng của Nghị quyết 08-NQ/TW, thưa ông?

- Từ chỉ đạo của thành phố, Sở VH&TT xây dựng kế hoạch hằng năm nhằm thực hiện các chương trình về TD-TT của thành phố đạt hiệu quả cao, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.

Qua đó, phong trào TD-TT của nhân dân ngày càng được duy trì, phát triển rộng khắp, có tổ chức, với nhiều CLB được thành lập. Tiêu biểu là các hoạt động thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, bơi lội, thể dục thể hình, yoga, chạy bộ, xe đạp hay Ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân” hằng năm thu hút đông đảo đối tượng, lứa tuổi tham gia.

Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống tiếp tục được duy trì, khôi phục và phát triển thông qua các hoạt động lễ, Tết, các ngày lễ lớn của đất nước, thành phố và lễ hội truyền thống các địa phương… đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân; góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố.

* Nhằm áp ứng yêu cầu phát triển thể thao quần chúng, thành phố đầu tư cơ sở vật chất như thế nào để phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân?

- Ngoài các công trình do Sở VH&TT quản lý, có nhiều công trình thể thao được các đơn vị ngoài ngành đầu tư quản lý và hoạt động hiệu quả như CLB Phan Châu Trinh, Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng, Trung tâm TD-TT Quốc phòng 3 (Quân khu 5) và các cơ sở thể thao do các doanh nghiệp, đoàn thể, cơ sở giáo dục quản lý. Ngoài huyện đảo Hoàng Sa, đến nay, cả 7 quận, huyện đã thành lập trung tâm VH-TT theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dần hoàn thiện về cơ sở vật chất.

Hằng năm, các đơn vị lựa chọn các hoạt động TD-TT phù hợp để duy trì tổ chức, góp phần phát huy hiệu quả công trình. Một số đơn vị sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất của mình thực hiện liên doanh, liên kết đầu tư để tổ chức các hoạt động, giải đấu thể thao phục vụ người dân. 56 phường, xã đã được phê duyệt quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa; mỗi phường, xã được quy hoạch từ 2 điểm thiết chế trở lên. Chỉ một vài trường hợp, do quỹ đất hạn hẹp nên bố trí một điểm thiết chế.

Các trung tâm VH-TT, khu vui chơi, giải trí trở thành điểm vui chơi, tập luyện của người dân và cũng là điểm sinh hoạt thường xuyên của các hội, đoàn thể, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD-TT phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, thành phố xây dựng trung tâm VH-TT dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) với 2 sân bóng đá mini, 2 sân bóng chuyền, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Ngoài ra, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, Nhà Văn hóa Lao động thành phố… cũng là những địa điểm tập luyện, sinh hoạt của các CLB thể thao cũng như đáp ứng nhu cầu tập luyện của người yêu thích thể thao.

* Thành phố có những giải pháp gì để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển thể thao quần chúng trong thời gian tới?

- Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế VH-TT, tạo tiền đề phục vụ nhu cầu hoạt động và nâng cao thụ hưởng của nhân dân, UBND thành phố ban hành đề án “Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025”. Trong đó, 80% phường, xã có thiết chế trung tâm VH-TT hoàn thiện; 20% phường, xã còn lại có nhà văn hóa và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để phục vụ trẻ em.

Bên cạnh đó, 100% trung tâm VH-TT quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn, gắn với chức năng phục vụ VH-TT của người lao động; 30% quận, huyện có nhà thiếu nhi. Cung Thiếu nhi Đà Nẵng sẽ được đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo chuẩn; Nhà Văn hóa Lao động cũng được đầu tư, cải tạo và nâng cấp.

Ngoài ra, 100% khu công nghiệp được bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế VH-TT phục vụ người lao động. Đồng thời, các trung tâm VH-TT, điểm sinh hoạt hay CLB văn hóa phục vụ người lao động khu công nghiệp đã hoạt động sẽ được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn và nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian đến.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

BẢO AN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích