Thể thao
Phát triển karatedo từ cơ sở
Karatedo Đà Nẵng có sự phát triển và lan tỏa trong cộng đồng những năm qua nhưng vẫn gặp khó trong việc tìm nguồn võ sinh tiềm năng thành phố.
CLB Karatedo Trường THPT Phan Châu Trinh là một trong những đơn vị năng nổ trong phát triển karatedo từ cơ sở. (Ảnh: Đơn vị cung cấp, chụp thời điểm không có Covid-19) |
Lan tỏa karatedo trong cộng đồng
CLB Karatedo Trường THPT Phan Châu Trinh ra đời từ năm 2016, theo chủ trương mở cổng trường, khu tập luyện thể dục - thể thao ở các cơ sở giáo dục sau giờ học của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Thầy Dương Thanh Hùng, giáo viên nhà trường, Chủ nhiệm CLB cho biết, thời điểm trước khi có Covid-19, CLB tập luyện từ 17 giờ 30 đến 19 giờ từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần tại khu A. Thành viên của CLB có thời điểm lên đến gần 200 người, đa số là học sinh các trường học trên địa bàn thành phố.
Được sự quan tâm của ngành giáo dục và ban giám hiệu, CLB có điều kiện thuận lợi về mặt bằng sân bãi, điện chiếu sáng… để tổ chức tập luyện. Trong 5 năm qua, các thành viên của CLB tham gia thi đấu ở các giải do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, Liên đoàn Karatedo thành phố (tiền thân là Hội Karatedo) và các phân đường karatedo tổ chức, qua đó gặt hái một số thành tích tiêu biểu như HCV nội dung kata cá nhân nữ, HCV cá nhân nam kumite hạng cân 65kg, HCB cá nhân nữ kumite hạng cân 50kg… tại Giải Karate Cup các câu lạc bộ thành phố Đà Nẵng năm 2019.
Cũng như CLB Karatedo Trường THPT Phan Châu Trinh, CLB Karatedo Trường Đại học Duy Tân khá năng nổ trong việc phát triển môn võ này trong cộng đồng. Tiêu biểu nhất là thành tích 3 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ tại Giải Karate Cup các câu lạc bộ thành phố Đà Nẵng năm 2020. Được thành lập từ 2014 với 15 thành viên ban đầu, hiện CLB thu hút hơn 550 lượt học sinh, sinh viên và những người yêu thích karatedo trên địa bàn thành phố tham gia sinh hoạt.
Đó là 2 trong số nhiều CLB trực thuộc Liên đoàn Karatedo Đà Nẵng tính đến thời điểm này. Theo Chủ tịch Liên đoàn Karatedo thành phố Đoàn Chí Đạo, kể từ khi được thành lập vào tháng 11-2014 với tên gọi Hội Karatedo thành phố, đơn vị phát triển ảnh hưởng và quy mô từ 15 CLB ban đầu lên 40 CLB. Số võ sinh hiện tại ghi nhận trên 2.000 người. Nhiều CLB mở ra ở các xã vùng ven như Hòa Ninh, Hòa Phong, Hòa Tiến… góp phần tạo sân chơi rèn luyện sức khỏe cho thanh, thiếu niên và cộng đồng nói chung.
Theo ông Đạo, hoạt động karatedo tại Đà Nẵng bắt đầu từ sau năm 1975 và rõ ràng nhất ở thập niên 80. Thời điểm đó, phần lớn các HLV mở nhiều CLB, võ đường ở Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đều xuất thân từ Huế - cái nôi của karatedo Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của các CLB từ đó đến trước khi Liên đoàn Karatedo thành phố thành lập đều dừng ở mức nội bộ, chưa có sự giao lưu với nhau. “Từ 2015, sau khi liên đoàn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thời điểm trước khi chia tách thành Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch) tổ chức giải đấu cấp thành phố, các đơn vị, CLB võ thuật mới có dịp học hỏi, tăng cường giao lưu và thi đấu để nâng cao trình độ của nhau”, ông Đạo cho biết.
Tính từ 2014 đến hiện tại, Liên đoàn Karatedo thành phố tổ chức tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật cho trên 250 lượt HLV và võ sinh thi huyền đai. Trong đó có 10 kỳ thi huyền đai với số lượng gần 500 võ sinh tham gia được tổ chức. Lợi thế của đơn vị là có nhiều hội viên là trọng tài quốc gia, có người là HLV của đội tuyển karatedo thành phố nên công tác tổ chức tập luyện, thi đấu... diễn ra nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Vẫn còn những trăn trở
Chủ tịch Liên đoàn Karatedo thành phố Đà Nẵng Đoàn Chí Đạo chia sẻ, trừ một số đơn vị trường học có sự đầu tư, hầu hết các CLB không có phòng tập tiêu chuẩn, gần như 90% tập ngoài trời dẫn tới hạn chế hoạt động trong mùa mưa. Hoạt động của các CLB ngoài việc đình trệ một thời gian dài do ảnh hưởng Covid-19, còn vấn đề thiếu nguồn võ sinh từ cơ sở tham gia các cấp độ đội tuyển...
Những năm qua, ngành karatedo thành phố nỗ lực tìm nguồn VĐV từ các đơn vị phong trào nhưng con số này không nhiều, một phần vì chưa nhiều em có tố chất về thể hình, thể lực để thi đấu. Từ thời của nữ hoàng kumite Vũ Kim Anh gần 20 năm trước, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa ghi nhận gương mặt tiêu biểu nào đạt thành tích cao ở cấp độ quốc gia trở lên.
Đồng ý kiến, Chủ nhiệm CLB Karatedo Trường THPT Phan Châu Trinh Dương Thanh Hùng cho biết thêm: “Định hướng của chúng tôi khi lập CLB dạy karatedo trước hết là để lứa tuổi học sinh, sinh viên rèn luyện sức khỏe, sau đó là rèn được kỹ năng tự tin, đĩnh đạc trong cuộc sống và kỹ năng tự vệ. Các HLV ai cũng mong tìm được võ sinh giỏi để tiến cử lên đội tuyển ở các cấp độ cao hơn nhưng khó khăn hiện nay là nhiều phụ huynh và võ sinh không có ý muốn đi theo con đường VĐV chuyên nghiệp, chỉ đến với karatedo như một môn tập luyện nâng cao sức khỏe. Nên việc tìm kiếm nguồn nhân lực từ cơ sở thật sự rất khó”.
Trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Liên đoàn Karatedo thành phố đang nỗ lực khắc phục những khó khăn kể trên, bắt nguồn từ mục tiêu củng cố phong trào cơ sở, lấy các võ đường làm trung tâm… và thực hiện chủ trương xã hội hóa với karatedo để lan tỏa và thu hút đông người tập luyện, làm cơ sở cho những bước xa hơn.
XUÂN SƠN