Thể thao Đà Nẵng: Sức bật tuổi 25

.

25 năm từ ngày chia tách tỉnh và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thể thao Đà Nẵng từng bước khẳng định được vị thế trên đấu trường quốc nội.

Cuộc thi IRONMAN 70.3 hằng năm được xem là một trong những hoạt động góp phần tạo nên “thương hiệu” cho Đà Nẵng. Ảnh: BẢO AN
Cuộc thi IRONMAN 70.3 hằng năm được xem là một trong những hoạt động góp phần tạo nên “thương hiệu” cho Đà Nẵng. Ảnh: BẢO AN

Sau 1-1-1997, thể thao Đà Nẵng gần như phải làm lại từ đầu khi phần lớn những VĐV xuất sắc lúc bấy giờ lần lượt vào Quảng Nam. Không những thế, chỉ với 800.000 dân, các bậc phụ huynh lại thường đặt mục tiêu học văn hóa lên hàng đầu nên thể thao Đà Nẵng đã khó lại càng khó hơn trong việc tìm nguồn VĐV tại chỗ. Thêm nữa, ngoài sân vận động Chi Lăng cùng bể bơi thành tích cao đang xuống cấp, thể thao Đà Nẵng bắt tay làm lại từ đầu.

Trong giai đoạn khó khăn ấy, bằng những nỗ lực cao nhất, ngành thể dục - thể thao (TD-TT) thành phố từng bước khẳng định mình khi lần đầu tiên, Đà Nẵng đóng góp cho thể thao Việt Nam chiếc HCV SEA Games 20 (1999) của VĐV Karatedo Vũ Kim Anh. Chính những thành công ban đầu, thể thao Đà Nẵng dần tạo dựng được niềm tin để từng bước, lãnh đạo thành phố có sự quan tâm và cho nâng cấp hoặc xây mới hệ thống sân bãi, công tác huấn luyện - đào tạo bắt đầu được định hướng phát triển đúng quy chuẩn. Từ đó, lần lượt, những VĐV như: Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Trần Lê Quốc Toàn, Dương Thị Thanh Minh, Nguyễn Thành Ngưng… tiếp tục mang về vinh quang cho thể thao thành phố sau những thành công trên đấu trường quốc nội lẫn quốc tế.

Khi niềm tin đủ lớn, thành phố cũng tạo điều kiện trong khả năng để thể thao Đà Nẵng tiếp tục phát triển bền vững, căn cơ. Từ chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” theo chủ trương của thành phố, ngoài sự hợp tác của nhiều chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài, Đà Nẵng trở thành điểm đến lý tưởng của rất nhiều VĐV xuất sắc. Không những thế, năm 2015, Đà Nẵng tạo “cú đột phá” khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết “Quy định chế độ đãi ngộ với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng”.

Dĩ nhiên, những chế độ đãi ngộ, sự quan tâm của thành phố dành cho thể thao Đà Nẵng rất lớn song bên cạnh đó, “cái tình” của Đà Nẵng cũng có sức thu hút và giữ chân những tài năng thể thao. Trong một lần trao đổi, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Nguyễn Đông Hải tâm sự: “Để tìm kiếm tài năng thể thao, chúng tôi phải đến nhiều vùng miền trên cả nước để tuyển chọn. Sau khi tìm hiểu điều kiện học tập, sinh hoạt, tập luyện ở Đà Nẵng, các bậc phụ huynh hoàn toàn yên tâm về tương lai của con em mình. Thực sự, quản lý các cháu rất khó nên phải đến với các cháu không chỉ bằng trách nhiệm của người thầy mà bằng tình cảm của một người cha, người chú…”. Sự quan tâm đến cả những điều nhỏ nhặt nhất trong đời sống từ những người lãnh đạo cao nhất của ngành TD-TT đã tạo nên sự gắn kết đậm tính nhân văn và giúp VĐV yên tâm cống hiến.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao cũng bày tỏ: “Nhiều hoạt động, loại hình và sự kiện thể thao mới lạ được tổ chức thành công như Cuộc thi IRONMAN 70.3 Việt Nam, Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng (DNIM) thu hút đông đảo người dân, du khách, VĐV chuyên nghiệp trong nước và quốc tế tham gia. Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh và đưa Đà Nẵng đến gần hơn với bạn bè quốc tế”.

Ở bộ môn bóng đá, CLB SHB Đà Nẵng cũng đóng góp một số cầu thủ chất lượng cho đội tuyển quốc gia, góp phần đạt thành tích nổi bật tại các giải bóng đá trong khu vực Đông Nam Á. Ở khía cạnh thể thao phong trào, ý thức tập luyện, rèn luyện sức khỏe của người dân cũng ngày càng được chú trong hơn, từ đó giúp các nhà chuyên môn lựa chọn những gương mặt ưu tú để tiếp tục đào tạo trở thành những vận động viên thi đấu ở những bộ môn thành tích cao, mang lại niềm vinh dự cho thành phố bên sông Hàn.

Sau hơn 10 ngày có mặt tại Đà Nẵng nhân Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5 - 2016), Phó Chủ tịch Hiệp hội Olympic châu Á (OCA) Timothy Fox khẳng định thành phố và con người Đà Nẵng mang lại bầu không khí tuyệt vời, những khoảnh khắc quý báu để nâng niu và viết lên trang sử mới của OCA với ABG5 hoàn hảo nhất. Trong khi đó, với Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Densu Alpha Yoshiho Fujisawa - một trong những người mang Cuộc thi Marathon quốc tế về cho Đà Nẵng bày tỏ, một ngày không xa, Đà Nẵng và Việt Nam sẽ trở thành biểu tượng hòa bình để khắp nơi trên thế giới cùng hướng đến.

Đến lúc này, thể thao Đà Nẵng có thể tự hào khi bước vào tuổi 25. Bởi cùng với bảng thành tích ngày càng đầy đặn, thể thao góp phần không nhỏ để nâng tầm Đà Nẵng và mang Đà Nẵng ra thế giới, cũng như đưa thế giới đến gần hơn với thành phố bên sông Hàn…

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.