Đánh thức ngành công nghiệp bóng đá...

.

Bóng đá là môn thể thao vua, đồng thời trở thành ngành công nghiệp tạo ra siêu lợi nhuận. Dù thế, bóng đá Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết lợi thế của môn túc cầu này. Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuối tuần qua được kỳ vọng là một bước tiến về nhận thức.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần khai thác tốt hơn nữa thương hiệu của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần khai thác tốt hơn nữa thương hiệu của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: HOÀNG LINH

Đây là lần đầu tiên, các vấn đề liên quan mật thiết đến thương hiệu đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được mổ xẻ khá kỹ lưỡng, nhằm làm nổi bật một trong những nét chính của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Có gì đó nghịch lý khi đến thời điểm này, VFF mới từng bước hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu đội tuyển. Đưa logo của đội tuyển (được VFF công bố năm 2017 với biểu tượng con rồng ngậm ngọc, viên ngọc chính là hình ảnh quả bóng) vào sử dụng trên áo đấu của đội tuyển cũng như trong các hoạt động khác của đội tuyển, in trên các vật phẩm lưu niệm liên quan đến đội tuyển. Xây dựng và hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu gồm trang phục thi đấu, trang phục tập luyện, logo, slogan, linh vật. Sử dụng chính thức slogan “Những chiến binh sao vàng” tại các trận đấu của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) cũng như trong các hoạt động truyền thông khác. Cũng thời điểm này, VFF mới lên kế hoạch, thiết kế ngay linh vật đại diện của đội tuyển Việt Nam.

Nếu tính từ SEA Games 1991 là thời điểm thể thao và bóng đá Việt Nam  hòa nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta đã có 31 năm để phát triển ngành công nghiệp bóng đá. Vậy mà, tầm vóc thương hiệu các ĐTQG vẫn chưa lớn mạnh như kỳ vọng. Đội tuyển Việt Nam hiện tại chưa có bộ nhận diện thương hiệu hoàn thiện. Ngoài áo đấu đội tuyển, hầu như khán giả chưa nhìn thấy những biểu trưng riêng của đội như logo, slogan (khẩu hiệu), bộ hình ảnh truyền thông chính thức. Chưa khai thác các hình thức thương mại khác như vật phẩm quảng cáo, hợp tác thương hiệu hay các quyền truyền thông khác ngoài bản quyền truyền hình. Đấy là điều đáng tiếc bởi 5 năm qua, bóng đá Việt Nam  đã có những bước tiến rất dài. Nếu VFF làm tốt hơn nữa khâu “kinh tế” từ thương hiệu các ĐTQG, chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu lớn để tái cấu trúc nền bóng đá theo hướng tích cực.

Ở cấp độ đội tuyển, dù sao các tuyển thủ chúng ta cũng đã được nâng tầm đời sống, thu nhập. Cứ mỗi giải đấu thành công, tiền thưởng lại đổ về. Cho nên, được khoác áo ĐTQG thì không còn phải nghĩ đến chuyện kinh tế. Giá trị chuyển nhượng tăng vọt, chỉ cần vài lần chuyển nhượng là đủ để cuộc sống sung túc trọn đời.

Đấy cũng là sự bất hợp lý bởi hệ thống giải chuyên nghiệp luôn chật vật trong việc vận động tài trợ. 22 mùa giải trôi qua, nhưng lượng khán giả không tăng, chất lượng chuyên môn cũng ở mức độ trung bình. Nhưng, nỗi ám ảnh lớn nhất của lãnh đạo các CLB là hầu như không có nguồn thu nào từ bóng đá. Trong khi, chi phí bỏ ra quá nhiều. Khái niệm tình yêu bóng đá của các doanh nghiệp khá mông lung, bởi việc tiếp nhận các đội bóng, với họ, cơ bản để đầu tư các lĩnh vực khác.

Đấy cũng là lý do hiếm có CLB nào giữ được một cái tên trong thời gian dài. Đa số đều phải gắn tên một thương hiệu nào đó. Thậm chí, rất nhiều cái tên lẫy lừng đã bị triệt tiêu sau 22 năm bóng đá Việt Nam  tiến lên chuyên nghiệp. Nguyên tắc kinh doanh vốn rất kị húy phải thay thương hiệu, “bộ nhận diện”, vậy mà các CLB chúng ta coi đó là chuyện nhỏ.

Đã đến lúc những người làm bóng đá cần ngồi lại với nhau, đưa ra lộ trình mới để phát triển công nghiệp bóng đá nước nhà theo xu thế bóng đá thế giới. Được biết, VFF đang quyết tâm đặt ra là mục tiêu đến năm 2030, bóng đá Việt Nam  đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á, các CLB vững mạnh về tổ chức, tự chủ về tài chính và có chất lượng chuyên môn cao; phát triển thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, tạo thu nhập ngày càng cao và có đóng góp xứng đáng đối với nền kinh tế đất nước.

Muộn còn hơn không!

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.