Vòng chung kết U23 châu Á: Hòa đương kim vô địch Hàn Quốc, U23 Việt Nam sáng cửa đi tiếp

.

Trận hòa 1-1 trước đương kim vô địch (ĐKVĐ) U23 Hàn Quốc một lần nữa đã khiến cả châu Á “sửng sốt” về U23 Việt Nam. Triết lý chơi bóng của U23 Hàn Quốc khiến chúng ta thấy bóng dáng của mình trong đó và chứng minh việc đi theo nền bóng đá nước này là hợp lý nhất.

U23 Việt Nam đã có trận hòa quá tuyệt vời, cho thấy vóc dáng một đội bóng lớn. Ảnh: H.Đ
U23 Việt Nam đã có trận hòa quá tuyệt vời, cho thấy vóc dáng một đội bóng lớn. Ảnh: H.Đ

Kể từ lúc HLV Park Hang-seo dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, nền bóng đá chúng ta đã có gần 5 năm đeo đuổi theo cách làm bóng đá của Hàn Quốc. Trước đó, rất nhiều HLV đã đến mảnh đất hình chữ S, với đủ trường phái khác nhau, rốt cuộc bóng đá Hàn Quốc vẫn phù hợp nhất để bóng đá Việt Nam theo đuổi.

Và giờ đây, khi thầy Park chia tay U23 để dành trọn thời gian cho đội tuyển Việt Nam, những nỗi lo về U23 thế hệ kế cận, dưới sự dẫn dắt của tân HLV Gong Oh-kyun, đã dần được gỡ bỏ. Thầy Gong đã cho thấy là vị thuyền trưởng đầy tiềm năng, không dễ bị cái bóng đàn anh che khuất.  Còn U23 Việt Nam, họ đã có một trận đấu để lại quá nhiều cảm xúc, điều mà hiếm khi đã làm được trong gần hai năm qua. Kể cả ngôi vô địch SEA Games 31 cũng không bộc lộ rõ nét các phẩm chất của đoàn quân trẻ. Chỉ đến trận gặp Hàn Quốc, tất cả năng lực của các học trò HLV Gong Oh-kyun đã bộc lộ một cách chân thực, sinh động nhất.

Trước hết, đấy là trình độ chơi bóng. U23 Hàn Quốc đa số là các gương mặt từng á quân VCK U20 thế giới năm 2018, ĐKVĐ U23 châu Á 2020. Trong thành phần có nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu và Nhật Bản. Trình độ vượt trội đã khiến họ thể hiện ý tưởng giải quyết nhanh trận đấu. Trên thực tế 20 phút đầu, nhà ĐKVĐ đã gây sức ép khủng khiếp lên khung thành thủ môn Văn Chuẩn. Trong hiệp 1, họ đã 11 lần dứt điểm. Có nhiều lúc người hâm mộ không khỏi lo lối chơi của U23 Việt Nam sẽ  nhanh chóng “vỡ vụn”. Vậy mà, các “chiến binh áo đỏ” đã nhanh chóng lấy tâm thế chơi bóng đĩnh đạc, “biết mình biết ta”.

Lối chơi quả cảm nhưng đầy bản lĩnh, chủ động nhường cho đối thủ tạo dựng thế trận tấn công nhưng vẫn có những “vũ khí” chết người. U23 Việt Nam đã có những lần uy hiếp được khung thành đối phương. Và rồi, bàn thắng đến từ cú sút xa của Tiến Long, xuất phát từ đường chuyền của Tuấn Tài, đã khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam vỡ òa cảm xúc. Nếu như cú đệm bóng của Văn Tùng ở phút 90+3 thành bàn, cũng có thể gọi là xứng đáng.

Tất cả chứng minh trình độ chơi bóng của U23 Việt Nam ở một tầng thức rất cao. Những tiềm năng lâu nay, tựa như trầm tích, đã bộc lộ một cách rực rỡ nhất. Thêm vào đó, thể trạng của cầu thủ chúng ta cực tốt, những pha tranh chấp tay đôi không bị lép vế.

U23 Việt Nam đã chứng minh sẽ còn nhiều điều thú vị ở chặng đường phía trước. Đặc biệt, khả năng các vị trí dự bị. Nếu như thủ môn Văn Toản tưởng “bất khả xâm phạm”, chỉ một sai lầm đã bị Quan Văn Chuẩn thế chỗ. Văn Chuẩn đã chơi quá xuất sắc trong 2/3 trận gặp Thái Lan và 90 phút tối qua. Những gương mặt được thầy Gong tung vào sân đều đã chứng minh không hề kém cạnh các vị trí đá chính.

Điểm tựa vững chắc nữa giúp U23 Việt Nam đã và sẽ còn bay bổng, hệ thống phòng ngự quá tuyệt vời. Triết lý tất cả cùng tấn công và cùng phòng ngự quá lợi hại. 6 trận ở SEA Games không thủng lưới, rồi hóa giải quá nhiều pha dứt điểm của U23 Hàn Quốc, thầy trò ông Gong đã cho thấy họ thực sự là một “đoàn quân thép”.

Với 2 điểm có được trước Thái Lan và Hàn Quốc, U23 Việt Nam đã rộng cửa để vào vòng trong, khi đối thủ tiếp theo là U23 Malaysia. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, dù đó là đội bóng dưới tầm.

Có lẽ lúc này, người hâm mộ Việt Nam đang lâng lâng trước trận hòa quá tuyệt vời, để rồi niềm tin về thầy trò HLV Gong Oh-kyun đang được củng cố vững chắc.

Chia sẻ về trận đấu quả cảm, Bùi Hoàng Việt Anh cho biết: “Đây là màn trình diễn tốt của toàn đội. Chúng tôi mới thi đấu được 2 trận, kết quả chưa đủ để vào vòng trong. Vì lẽ đó, ở trận đấu cuối chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa để chiến thắng và giành suất vào vòng trong”.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.