Thể thao
Eliud Kipchoge - người vĩ đại nhất trong lịch sử marathon
Eliud Kipchoge (Kenya) vừa tự phá kỷ lục thế giới nội dung marathon 42km tiêu chuẩn tại giải Berlin Marathon 2022, với thời gian 2 giờ 1 phút 09 giây. Người ta tin anh sẽ trở thành vận động viên (VĐV) vĩ đại nhất lịch sử bộ môn này, bởi Kipchoge nhiều lần đề ra và đã vượt được giới hạn bản thân.
Kipchoge trên đường chạy Berlin Marathon khi còn cách đích khoảng 10km. Ảnh: NN Runing Team |
Đây là lần thứ tư, Kipchoge vô địch Berlin Marathon. Anh đăng quang lần đầu ở Berlin năm 2015, với thành tích 2 giờ 04 phút. Ở những lần vô địch sau, càng ngày, anh càng rút ngắn thành tích của mình. Năm 2017 là 2 giờ 3 phút 32 giây; 2018 là 2 giờ 1 phút 39 giây (kỷ lục thế giới lúc ấy), và bây giờ là 2 giờ 1 phút 09 giây (kỷ lục thế giới hiện tại). Đây là chức vô địch thứ 15 trong tổng số 17 giải marathon quốc tế mà Kipchoge góp mặt, hai lần vô địch Olympic và 10 danh hiệu lớn khác.
Tại Berlin năm nay, tốc độ của Kipchoge là 4 phút 37 giây một dặm, tương đương 2 phút 53 giây/km. Với chỉ số tuyệt vời đó, Kipchoge đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu ở tuổi 37, VĐV người Kenya có thể chạy marathon dưới 2 giờ hay không? Kipchoge từng nói: “Con người không có giới hạn. Bạn có thể làm những gì mình muốn. Bạn phải nghĩ xa hơn những giới hạn của bản thân, chống lại những điều tưởng như là không thể”.
Có hai yếu tố giới chuyên gia giải thích vì sao các VĐV châu Phi luôn vượt trội khi chạy đường trường. Một là di truyền, họ có những phẩm chất cực kỳ đặc biệt, tựa như người Brazil với môn bóng đá. Thứ hai là kỷ luật rèn luyện nghiêm ngặt. Người châu Phi ai cũng muốn đổi đời từ các môn thể thao nói chung và marathon nói riêng, họ khao khát vươn tới đỉnh cao văn minh, nên sự kiên trì và quyết tâm luôn là tính trội.
Kỷ lục chạy marathon liên tiếp được rút ngắn cho thấy bức tranh rõ hơn về cách mà con người vượt qua giới bạn của bản thân. Tham vọng, quyết tâm, được kết hợp với những cải tiến kỹ thuật tập luyện, dinh dưỡng và tiến bộ công nghệ. Cộng đồng khoa học cũng tham gia vào quá trình này. Các lĩnh vực khác nhau, từ cơ sinh học tới di truyền học, năng lượng học hoặc khoa học hiệu suất..., đều đóng góp vào các kỷ lục chạy marathon mà mới nhất là khả năng vượt giới hạn của Kipchoge. Nhờ đó, thế giới đã có một tiêu chuẩn rõ ràng về việc tạo nên một chân chạy marathon hoàn hảo - một siêu VĐV được rèn luyện nhờ những cải tiến. Nhưng đâu là giới hạn thời gian con người có thể chinh phục?
Simon Angus, một chuyên gia về thống kê và nghiên cứu các siêu VĐV, từng nhận định vào năm 2019, giới hạn của con người là 1 giờ 58 phút 5 giây cho cự ly marathon. Angus tiên liệu khung thời gian con người lập kỷ lục ở cự ly này: năm 2032 sẽ có 10% và 2054 là 25% - cơ hội đạt kỷ lục thế giới mới.
Trở lại với Kipchoge, thực ra anh đã từng chạy dưới 2 giờ đồng hồ vào năm 2019 ở sự kiện Ineos Challenge tại Vienna, với thành tích 1 giờ 59 phút 40 giây. Dù thế, thành tích này không được công nhận là kỷ lục thế giới vì đây không phải một sự kiện mở. Thứ hai, có quá nhiều can thiệp về công nghệ để Kipchoge có thể tạo cột mốc. Đấy là sự xuất hiện của chiếc xe chiếu vạch laser xanh xuống đường, đội pacemarker chuyên nghiệp gồm những VĐV có tiếng chạy dẫn tốc hỗ trợ cho anh. Đội hình này chạy theo hình chữ Y để vận dụng nguyên tắc khí động học nhằm giảm lực cản không khí cho Kipchoge. Đó là chưa kể đường đua ở Vienna cũng rất lý tưởng để Kipchoge tạo ra cột mốc quan trọng.
Kipchoge đang đặt mục tiêu lần thứ ba liên tiếp giành HCV thế vận hội (Olympic) và xô đổ kỷ lục vừa lập được tại Berlin. Có nghĩa, nếu với 42km tiêu chuẩn mất thời gian dưới 2 giờ 1 phút 09 giây, anh chẳng khác “người ngoài hành tinh”, xứng đáng để các nhà khoa học nghiên cứu tổng thể về con người của chân chạy huyền thoại này. Nhưng, trong trường hợp không thỏa nguyện giấc mơ, Kipchoge cũng đã truyền được cảm hứng với thế giới về khả năng chinh phục những giới hạn của con người là một ẩn số để ngỏ.
MỘC MIÊN