Thể thao
Cầu thủ Việt và giấc mơ xuất ngoại
Tiền đạo Huỳnh Như vừa có một trận đấu xuất sắc, ghi một bàn thắng góp công cho chiến thắng 2-1 của Lank FC trước Torreense ở giải Bồ Đào Nha. Hình ảnh cô ăn mừng theo vũ điệu ‘See tình” đang làm tan chảy bao trái tim người hâm mộ.
Văn Hậu (áo đỏ) từng chơi bóng ở CLB Heerenveen của Hà Lan. Ảnh: M.M |
Bàn thắng đẳng cấp giúp Lank FC lội ngược dòng trước Torrence, đồng thời giúp cô vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách vua phá lưới giải bóng đá nữ Bồ Đào Nha. Đấy là viễn cảnh trong mơ với bóng đá nữ Việt Nam, dù bạn là người lạc quan nhất. Vậy mà, một cô gái nhỏ bé Việt Nam đã làm được bằng tài năng chơi bóng và nghị lực phi thường. Có thể nói, Huỳnh Như đã liên tiếp mang lại những nguồn cảm hứng lớn cho người hâm mộ nước nhà. Hơn thế, chắc chắn cô đã tiếp thêm động lực cho các cầu thủ Việt Nam trong giấc mơ vươn ra biển lớn.
Gần như bên cạnh sự xuất sắc của Huỳnh Như, người ta lại có dịp so sánh với Quang Hải. Anh vẫn đang quá chật vật thể hiện khả năng ở môi trường bóng đá Pháp. Dù thế, vẫn rất nhiều fan hâm mộ đang kiên nhẫn, hi vọng một ngày không xa, một trong những nam cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam sẽ tỏa sáng. Bởi, dõi theo hình bóng anh là giấc mơ cháy bỏng của cầu thủ Việt, hoàn toàn có thể chơi bóng ở môi trường đỉnh cao. Bóng đá Việt Nam vẫn cần những chiến binh dám bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá giới hạn bản thân, vì “nghiệp lớn”. Hòa nhập sâu rộng với bóng đá thế giới thông qua con đường “xuất khẩu cầu thủ” là cách tiếp cận tối ưu mà các nền bóng đá mạnh châu lục đang hướng tới, điển hình là Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong bức tâm thư chia tay người hâm mộ bóng đá Việt Nam, trợ lý ông Park, HLV Lee Young-jin vừa gửi thông điệp tới cầu thủ Việt Nam, trong đó ông nhấn mạnh: “Việc xuất ngoại chơi bóng là vấn đề quan trọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam và thế hệ các cầu thủ trẻ. Tôi hy vọng các cầu thủ sẽ luôn tinh thần phấn đấu, không chỉ cho sự phát triển của bản thân mà cho cả nền bóng đá Việt Nam”.
Tiền đạo Công Phượng cũng đã có những trải lòng sau khi quyết định sang thi đấu tại Nhật Bản: “Tôi thích môi trường bóng đá Nhật Bản. Nơi đã giúp tôi trở thành một người tốt hơn nữa. Tôi vẫn luôn chiến đấu vì đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc tới chơi bóng tại Nhật Bản sẽ giúp tôi hoàn thiện và phát triển bản thân, từ đó có thể cống hiến hết mình cho Việt Nam”. Ngay sau khi chia tay Hoàng Anh Gia Lai, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn đã tìm được bến đỗ mới.
Đó chính là CLB Seoul E-Land đang thi đấu ở giải K2, giải đấu cao thứ 2 trong hệ thống giải đấu chuyên nghiệp của Hàn Quốc. Với thương hiệu hiện có, cả Công Phượng và Văn Toàn hoàn toàn có thể đầu quân cho một CLB nhà giàu trong nước, nhận số tiền chuyển nhượng đủ sống sung túc cả đời, không khó có vị trí chính thức tại CLB. Vậy nhưng, họ vẫn quyết tâm ra nước ngoài thi đấu với mong muốn giải phóng hết khả năng. Đấy là điều đáng trân trọng, cần cổ vũ, nhất là Công Phượng đã là lần thứ 2 sang Nhật Bản chơi bóng.
Đã có khá nhiều cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài khởi nghiệp; trong số đó thành công rất ít. Đa số do sự chuẩn bị mọi mặt chưa được tốt, từ chuyên môn, tư tưởng đến đức hy sinh. Nhiều người có ý kiến khuyên Quang Hải không nên về tham dự AFF Cup 2022, hãy tập trung cao độ cho CLB Pháp. Anh đã có đủ bộ sưu tập thành tích khu vực Đông Nam Á, cần gì phải cố thêm. Kết quả mọi người đã thấy một Hải “con” sa sút, hiện cơ hội đang rất mong manh. Việc chọn các giải ở châu Á cũng là vừa sức với cầu thủ Việt.
Ở khía cạnh này, vẫn cần thêm nhiều thời gian để cầu thủ của chúng ta bắt kịp các ngôi sao Thái Lan. Điển hình như Chanathip Songkrathin, từng lọt vào đội hình xuất sắc của giải nhà nghề Nhật Bản (J-League). Một khi có nhiều cầu thủ từng xuất ngoại trong đội các tuyển quốc gia, dĩ nhiên sẽ tạo vị thế, nâng tầm chất lượng. Gần nhất là World Cup bóng đá nữ 2023, sự xuất hiện của Huỳnh Như sẽ kích hoạt thương hiệu đội tuyển nữ Việt Nam, nhận được sự tôn trọng nhất định của các đối thủ.
Đầu năm, giấc mơ xuất khẩu cầu thủ vẫn còn đau đau với người hâm mộ nước nhà.
MỘC MIÊN