Hội đồng thẩm định giải thưởng Fair Play của báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chọn 5 đề cử cuối cùng để vinh danh sau một thời gian bình chọn. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng quyết định vinh danh trọn đời dành cho trợ lý Lee Young-jin vì đã có nhiều cống hiến đặc biệt cho đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo.
Theo đại diện Ban tổ chức giải thưởng Fair Play 2022, kết quả trên được tập hợp, thống nhất từ rất nhiều đề cử của các nhà chuyên môn, phóng viên chuyên theo dõi bóng đá, các trọng tài, bạn đọc, người hâm mộ… gửi về, Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) đã chọn lọc ra 5 để cử tiêu biểu nhất để trao giải gồm:
1. Cầu thủ U-15 HA Gia Lai sút bóng ra ngoài để bác sĩ cấp cứu đồng nghiệp
Cầu thủ nhí Bảo Đức đã có hành động đá bóng ra ngoài để bác sĩ cấp cứu đồng nghiệp. Ảnh: Báo Tin tức |
Trong một pha tấn công có bóng đối diện thủ môn U-15 Bình Định, cầu thủ Bảo Đức của chủ nhà đá bóng đi hết biên ngang thay vì sút vào cầu môn để ghi bàn thắng thứ ba cho riêng mình.
Tình huống này diễn ra đầu hiệp hai, Bảo Đức một mình một bóng xuống gần cầu môn nhưng bất ngờ đã không sút vào khung thành. Nguyên do một cầu thủ U-15 Bình Định bị đau nằm lăn lộn trên sân nên em vội đá bóng ra ngoài để bác sĩ vào sân sơ cứu cho đồng nghiệp.
Trận đấu diễn ra trên sân Hàm Rồng chiều 11-7 với chiến thắng 5-2 thuộc về U-15 HA Gia Lai ở bảng D giải U-15 quốc gia.
2. Nữ tuyển thủ Thùy Trang tặng áo đấu giá làm từ thiện sau khi đoạt vé chơi World Cup 2023
Ngay vòng chung kết Asian Cup 2022, nữ cầu thủ của TP Hồ Chí Minh đã tặng chiếc áo số 8 của mình cho ông Đoàn Ngọc Hải, người thường xuyên đi thiện nguyện giúp các cháu bé nghèo khổ vùng sâu, vùng xa để đấu giá lấy tiền tiếp tục giúp đỡ trẻ em lẫn tài năng trẻ thể thao. Ông Hải đã cùng nhiều người tổ chức trận bóng đá từ thiện vào ngày 25-4-2022 ở Long Xuyên (An Giang) giữa đội cựu tuyển thủ Việt Nam và cựu cầu thủ An Giang.
Cầu thủ nữ Thùy Trang (mang áo số 8) tặng áo đấu giá làm từ thiện. Ảnh: Báo Tin tức |
Thùy Trang là một “quái kiệt” hiếm có của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua dù hình thể rất nhỏ nhắn. Điều ấn tượng đặc biệt là Thùy Trang chưa gặp thuận lợi trong cuộc sống nhưng cô gái nghèo quê Quảng Nam thường có những nghĩa cử đẹp “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Thùy Trang tâm sự: “Hồi nhỏ, gia đình em thiếu thốn nhiều, sữa không có uống. Mỗi lần có cơ hội, em muốn góp chút tấm lòng của mình hỗ trợ các em nhỏ”.
3. VGS với lá đại kỳ 3.000m2 trên sân Mỹ Đình ngày mùng 1 Tết
Hình ảnh lá đại kỳ 3.000m2 lần đầu xuất hiện là thành quả của Hội cổ động viên Việt Nam (Vietnam Golden Star – VGS), do nữ cổ động viên cuồng nhiệt Hoàng Yến làm trưởng đoàn. Trải qua nhiều gian nan trong hành trình xuyên Việt, lá đại kỳ xuất hiện trong một dịp thật đặc biệt, đúng ngày mùng 1 Tết trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Quảng cảnh buổi họp cung cấp thông tin về đại kỳ 3.000m2. Ảnh: Báo Tin tức |
Chị Hoàng Yến cho biết, mình và các cổ động viên đã chung tay làm ngày làm đêm trong nhiều ngày để hoàn thành lá cờ lớn kỷ lục cổ vũ cho đội tuyển quốc gia. Trước hàng vạn cổ động viên và lá đại kỳ thiêng liêng, thầy trò HLV Park Hang-seo đã làm nên lịch sử của bóng đá Việt Nam lẫn cả Đông Nam Á khi thắng đội bóng lớn Trung Quốc 3 - 1 ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Đại kỳ đỏ thắm tiếp sức như nhắc nhở các cầu thủ phải cố gắng hết mình, thi đấu vì màu cờ sắc áo và tinh thần bóng đá cao thượng.
Cổ động viên Hoàng Yến luôn là người đi đầu trong những trận tiếp sức các đội tuyển Việt Nam ở đấu trường quốc tế và chị đã cùng các bạn chở đại kỳ nặng 450kg bằng đường bộ suốt 2.000km sau 3 ngày đến Hà Nội.
4. Tuyển nữ Việt Nam vượt khó giành suất đi World Cup 2023
Thầy trò Mai Đức Chung phải đón Tết xa gia đình và nghiệt ngã nhất là sinh hoạt, tập luyện với “bong bóng khép kín” trong mùa dịch Covid-19 ở chuyến tập huấn Tây Ban Nha rồi sau đó thi đấu tại Ấn Độ.
Đội tuyển bóng đá nữ Viêt Nam đã mang vinh quang về cho nước nhà. Ảnh: Báo Tin tức |
Dù hết sức phòng tránh dịch bệnh nhưng không may, bốn tuyển thủ và một bác sĩ dương tính với Covid-19, phải cách ly tại Tây Ban Nha. Chưa hết, những ngày sau đó, dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát và cuối cùng chỉ có sáu cầu thủ đầu tiên đáp chuyến bay sang Ấn Độ.
Khó khăn lại chồng chất khi xét nghiệm tại sân bay, thêm ba cầu thủ mắc Covid-19 khiến cho những buổi tập đầu tiên trên đất Ấn Độ chỉ còn ba cầu thủ khỏe khoắn là Thùy Trang, Huỳnh Như và Tuyết Dung. Trưởng đoàn Trương Hải Tùng và HLV Mai Đức Chung ôm đầu than thở không biết trận khai mạc có đủ quân số ra sân hay không.
Hai ngày trước trận ra quân gặp Hàn Quốc, may mắn có 16 nữ tuyển thủ âm tính với Covid-19 và chỉ có một ngày tập luyện và chơi thật quyết tâm dù trận nào đá xong cũng thở không ra hơi. Sau hai trận thua Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tỉ số 0 - 3, thầy trò Mai Đức Chung đá vòng bảng thắng Thái Lan 2 - 1, thua Trung Quốc 1 - 3, hòa Myanmar 2 - 2 để giành chiếc vé vớt đi tiếp. Hai trận play off thắng Thái Lan 2 - 0 vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán và sau đó thắng Đài Loan 2 - 1 đã giúp các cô gái Việt Nam đi vào lịch sử khi lần đầu tiên giành suất chính thức chơi World Cup 2023.
5. Bác sĩ Dương Tiến Cần của đội tuyển U-23 Việt Nam hy sinh tình riêng lo việc chung
Tháng 3-2022, vợ chuẩn bị sinh nhưng bác sĩ Dương Tiến Cần vẫn lên đường cùng U-23 Việt Nam làm nhiệm vụ tại Campuchia giải AFF Cup U-23. Ở nhà, vợ bác sĩ Cần vượt cạn chỉ một mình vì gia đình vợ đều mắc Covid-19.
Bác sĩ Dương Tiến Cần lấy mẫu xét nghiệm cho các cầu thủ trước khi thi đấu trong mùa dịch. Ảnh: Báo Tin tức |
Khi phát hiện các cầu thủ trẻ Việt Nam mắc Covid-19 tại Campuchia, bác sĩ Cần xin ở lại để chăm sóc. Bác sĩ Cần là một trong bốn thành viên của đội tuyển U-23 Việt Nam xét nghiệm âm tính với Covid-19 nên về nguyên tắc được về Việt Nam, trong khi một số cầu thủ phải ở lại cách ly 15 ngày theo quy định.
Vinh danh HLV Lee Young-jin HLV Lee Young-jin là trợ lý số 1 của HLV Park Hang-seo và là người âm thầm làm việc trong suốt hơn 5 năm gắn bó cùng HLV Park Hang-seo và các đội tuyển Việt Nam. Trợ lý Lee còn là một chuyên gia phân tích chiến thuật, giúp HLV Park Hang-seo đưa ra những quyết định kịp thời. Ngoài ra, ông còn là người tỉnh táo ở khu kỹ thuật giúp HLV Park Hang-seo "hạ nhiệt" khi cần, đồng thời là một người thầy rất tận tình với các cầu thủ Việt Nam, là một tấm gương cùng gắn bó với các kỳ tích của bóng đá Việt Nam suốt năm 2018 đến nay. Khi nói về người cộng sự thân tín, ông Park chân tình: “Lee Young-jin là bộ não của tôi. Anh ấy nghĩ hộ giúp tôi mọi thứ. Tôi chỉ cần chọn lựa và quyết định một trong nhiều lựa chọn mà anh ấy đề xuất cho tôi. Đến lúc này, tôi có rất nhiều thành công ở Việt Nam. Nhưng nếu không thuyết phục được Lee sang Việt Nam từ đầu, có lẽ tôi có nhiều thành công như thế”. |
Theo Báo Tin tức