Thể thao
Thấy gì từ Quả bóng Vàng châu Á?
Ban tổ chức giải thưởng Quả bóng Vàng châu Á 2022 vừa công bố người đoạt danh hiệu cá nhân cao quý của bóng đá. Như dự đoán của giới chuyên môn, ngôi sao người Hàn Quốc Son Heung Min (đang thi đấu cho CLB Tottenham Hospur) đã có lần thứ 6 liên tiếp giành danh hiệu Quả bóng Vàng châu Á.
Theerathon Bunmathan (phải) tỏa sáng trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: M.M |
Đội trưởng của đội tuyển Hàn Quốc được tổng cộng 256 điểm, nhận được điểm tuyệt đối (6 điểm) từ 30 giám khảo. Ngoài việc có lần thứ 6 liên tiếp giành Quả bóng Vàng châu Á, Son Heung Min cũng đã có lần thứ 8 nhận giải thưởng kể trên trong tổng cộng 10 lần tổ chức. Tiền đạo Mehdi Taremi của đội tuyển Iran và CLB Porto xếp sau Son Heung Min với 120 điểm, trong khi về vị trí thứ ba là Salem Al-Dawsari, tiền đạo người Saudi Arabia của Al-Hilal với 112 điểm. Ở khu vực Đông Nam Á, tiền vệ Theerathon Bunmathan của đội tuyển Thái Lan là cầu thủ duy nhất lọt vào tốp 10 của Quả bóng Vàng châu Á 2022 với 21 điểm (xếp vị trí thứ 9). Còn với Tiến Linh, tiền đạo đội tuyển Việt Nam và CLB Bình Dương chỉ xếp ở vị trí 29 chung cuộc với 1 điểm.
Chúng ta thấy gì từ lịch sử Quả bóng Vàng châu Á và bức tranh toàn cảnh của bóng đá châu lục hiện nay? Có lẽ, tất cả đã bộc lộ rõ nhất qua World Cup 2022, từ diện mạo của 6 đội tham dự gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia và chủ nhà Qatar. Bóng đá châu Á đã có bước tiến bộ đáng khen ngợi. Saudi Arabia tạo địa chấn đầu tiên khi quật ngã Argentina 2-1. Sau đó, Nhật Bản cũng thắng ngược Đức rồi đến Tây Ban Nha với tỷ số tương tự. Lượt cuối vòng bảng, Hàn Quốc cũng lội người dòng trước Bồ Đào Nha, giúp Liên đoàn bóng đá châu Á lần đầu có 3 đại diện ở vòng 1/8 World Cup, gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cũng rất dễ nhận ra khoảng cách giữa 10 đội bóng tốp đầu châu lục với bóng đá Đông Nam Á hiện vẫn còn quá lớn. Con đường để cầu thủ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đủ khả năng chơi bóng ở châu Âu còn quá xa xôi. Trong lịch sử cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng châu Á, tiền vệ Nguyễn Quang Hải là cầu thủ Việt Nam đạt điểm số cao nhất (13 điểm) và đứng cao nhất (thứ 15) vào năm 2018. Một năm sau, anh đứng thứ 17 với 8 điểm. Nhưng hiện tại, sự nghiệp của anh đang gặp vấn đề. Quang Hải vừa bị CLB Pau FC đẩy xuống xuống giải hạng 5 thi đấu cho Pau B để duy trì thể lực và cảm giác chơi bóng. Hải “con” mới chỉ 29 tuổi, độ tuổi chín nhất của đời cầu thủ chuyên nghiệp.
Trong khi, ở tuổi 33, Theerathon Bunmathan của Thái Lan vẫn liên tục tỏa sáng. Tiền vệ trung tâm với mái đầu bạch kim này là linh hồn của đội tuyển Thái Lan trên hành trình vô địch AFF Cup 2022 vừa qua. Anh làm lu mờ Quang Hải, Hoàng Đức, Phan Văn Đức…Trận chung kết lượt đi trên sân Mỹ Đình, Theerathon có hai đường chuyền quá đỉnh cao thành bàn thắng. Lượt về, anh chính là người duy nhất ghi bàn thắng từ cú sút xa ở phút 24. Như vậy, Theerathon Bunmathan đã có 4 lần được đề cử tranh danh hiệu Quả bóng Vàng châu Á. Anh là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất từng vô địch giải chuyên nghiệp Nhật Bản, J-League 1 trong màu áo Yokohama F Marinos. Đặc biệt, Theerathon cũng là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất được Liên đoàn Thống kê và Lịch sử Bóng đá Quốc tế (IFFHS) bầu chọn vào danh sách đội hình hay nhất châu Á trong thập kỷ vừa qua.
Khoảng cách 256 điểm của Son Heung Min, 21 điểm của Theerathon Bunmathan và 1 điểm của Tiến Linh, ứng cử viên nặng ký nhất của danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2022, cũng đã khái quát thang điểm của nền bóng đá 3 quốc gia. Bóng đá Việt Nam đang xếp hạng 17 châu Á, chỉ khi lọt vào top 10 mới hy vọng cầu thủ chúng ta chơi bóng thành công ở châu lục, vị trí được cải thiện trong đường đua Quả bóng Vàng châu Á. Mới đây, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đặt mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào top 10 Châu Á (từ nay đến năm 2030) và sớm có mặt tại vòng chung kết World Cup. Đấy là hai mục tiêu quá khó khăn, cần phải có tầm nhìn, chiến lược khả thi chứ không chỉ nói cho “sướng miệng”!
MỘC MIÊN