Thể thao

Kinh tế thể thao cần được đánh thức

09:20, 30/06/2023 (GMT+7)

Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê đầy đủ nhưng ước tính thị trường kinh tế thể thao trị giá khoảng 300 triệu USD. Đó là một ngành kinh doanh lớn, có dư địa phát triển mạnh. Tuy nhiên, để phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp, khai thác tốt các dư địa thúc đẩy kinh tế thể thao đất nước vẫn đặt ra nhiều thách thức.

Đội tuyển nữ Việt Nam (bên phải) trong trận giao hữu với đội tuyển nữ Đức . Ảnh: VFF
Đội tuyển nữ Việt Nam (bên phải) trong trận giao hữu với đội tuyển nữ Đức . Ảnh: VFF

Hiện nay, rất nhiều quốc gia sử dụng phương pháp phân loại nền kinh tế quốc dân làm 3 nhóm ngành: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Như vậy, kinh tế thể thao thuộc nhóm ngành thứ 3 của nền kinh tế nhưng hình thành muộn hơn nhiều ngành khác trên thế giới. Ví dụ, kinh doanh thể thao nhà nghề sớm nhất ở môn đua ngựa cũng mới xuất hiện và phát triển ở Anh khoảng 200 năm gần đây, còn kinh doanh bóng đá nhà nghề cũng mới có trên 100 năm gần đây. Điều này phản ánh quy luật phát triển kinh tế và xu thế phát triển thể thao của xã hội. Các quốc gia đều chung quan điểm, coi sự phát triển kinh tế thể thao và sự phát triển sự nghiệp thể thao là một. Bởi, chính sự phát triển kinh tế thể thao là phát triển sự nghiệp thể thao trong nền kinh tế thị trường.

Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam… vừa phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo, tọa đàm liên quan đến chủ đề thực trạng, cơ hội phát triển của kinh tế thể thao nước nhà. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có đến 40.000 giải đấu thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư ở tất cả các cấp độ. Trong đó, các giải đấu phong trào của các môn chạy bộ, ba môn phối hợp..., thu hút hàng chục nghìn người tham gia và tạo nên giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy du lịch và tiêu dùng thể thao rất lớn.

Việt Nam cần phải nắm rõ quy mô, cơ cấu ngành nghề thể thao, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao, cơ sở vật chất, số người tập luyện thể thao theo các mức độ khác nhau..., từ đó xây dựng quy hoạch ngành. Ngành thể thao cần vạch được tầm nhìn chiến lược trong việc sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ địa phương cải tạo hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng thể thao như công viên thể thao, sân vận động, đường chạy, các hạng mục tập luyện thi đấu thể thao.

Một nền thể thao chắc chắn sẽ lớn mạnh nếu như cơ sở hạ tầng được phủ rộng khắp, đồng nghĩa số  người chơi thể thao gia tăng.Bên cạnh đó, phải khuyến khích các chủ thể thị trường như doanh nghiệp thể thao, hiệp hội, liên đoàn hay CLB thể thao tham gia mạnh mẽ vào hệ thống. Tất nhiên, mở rộng  phải đi kèm với giám sát thị trường thể thao phát triển. Một yếu tố mang tính cốt tử khác là cần nâng cao năng lực, tổ chức, điều hành các sự kiện thể thao quốc tế theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Làm được thế, thương hiệu quốc gia lẫn địa phương đều được nâng cao cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng, số người chơi thể thao và lượng người tiêu dùng thể thao cũng phát triển. Việt Nam cần thúc đẩy sự hội nhập và làm gia tăng giá trị cho ngành thể thao và cả các ngành, lĩnh vực khác khi kết hợp thể thao với bất động sản, du lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, đào tạo, giáo dục. Đó là mô hình “Thể thao +”, hay có thể là mô hình “+ thể thao”.

Từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã ban hành chủ trương xã hội hóa hỗ trợ hoạt động thể dục thể thao, mở ra một số tiền đề mới để phát triển kinh tế thể dục thể thao. Ngoài hoạt động thể dục thể thao theo phương thức kinh doanh dịch vụ, hoạt động thể dục thể thao theo phương thức phục vụ cộng đồng mà người tập được miễn phí đang được cải thiện đáng kể. Trong bức tranh chung đó, thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng được phong trào thể dục thể thao khá mạnh, trở thành điểm đến nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ.

MỘC MIÊN

.