Thể thao
Ông Troussier không phải "phù thủy"
Sau hai trận giao hữu với Syria và Hồng Kông (Trung Quốc), người hâm mộ có thể hình dung được diện mạo đội tuyển bóng đá quốc gia dưới thời HLV Phipippe Troussier, người đàn ông được đặt biệt danh “phù thủy trắng”.
Công Phượng và Tuấn Anh đã chơi khá tốt trong trận gặp Syria. Ảnh: M.M |
Thấy gì từ hai trận giao hữu?
Trong dịp FIFA Days, các nước Đông Nam Á đều tận dụng để cho đội tuyển quốc gia cọ xát với các khách mời. Đa số gọi rất nhiều tuyển thủ để đánh giá lại lực lượng hiện có của nền bóng đá, phục vụ cho kế hoạch dài hạn. Chất lượng các khách mời trình độ thấp, vừa tầm hoặc nhỉnh hơn không nhiều. Indonesia là đỉnh nhất khi họ được thi đấu giao hữu với Argentina. Myanmar cũng kịp mời đội tuyển Trung Quốc. Đội tuyển Việt Nam thi đấu với Hồng Kông (Trung quốc) và Syria.
Các tuyển thủ đến từ xứ “Cảng thơm” thuộc dạng yếu, Syria hơn chúng ta 5 bậc trên bảng xếp hạng FIFA nhưng trong lịch sử đối đầu đội tuyển Việt Nam cũng nhiều lần chơi ngang ngửa. HLV Troussier đã triệu tập 58 cầu thủ, bao gồm 34 cầu thủ cho đội tuyển quốc gia và 24 người còn lại là thuộc U23 Việt Nam. Sau đó, ông rút gọn còn 30 cầu thủ cho trận gặp Hồng Kông (Trung quốc), 4 cầu thủ xuất sắc trong đội hình U23 Việt Nam được giữ lại hậu vệ Phan Tuấn Tài, tiền vệ Khuất Văn Khang, Hoàng Văn Toản và tiền đạo Nguyễn Văn Tùng. 3 cầu thủ được gọi từ nước ngoài về gồm Quang Hải, Văn Toàn, Công Phượng, thì mỗi Quang Hải được tung vào sân. Trong chiến thắng 1-0 nhọc nhằn, nhìn chung đội tuyển Việt Nam chơi mờ nhạt.
Trong trận gặp Sirya, nhà cầm quân người Pháp giữ lại 21 trong tổng số 23 cầu thủ trong danh sách đăng ký thi đấu trận gặp Hồng Kông (Trung Quốc), đồng thời lựa chọn bổ sung 6 cầu thủ đội tuyển Việt Nam, gồm thủ môn Trần Minh Toàn, hậu vệ Vũ Văn Thanh, Bùi Tiến Dụng, tiền đạo Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Nhâm Mạnh Dũng. 3 cầu thủ trong đội hình U23 Việt Nam được trao cơ hội lên đội tuyển gồm thủ môn Nguyễn Văn Việt, tiền vệ Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Đức Phú. Như vậy, cộng với 4 cầu thủ được giữ lại sau trận gặp Hồng Kông (Trung quốc) là hậu vệ Phan Tuấn Tài, tiền vệ Khuất Văn Khang, Hoàng Văn Toản và tiền đạo Nguyễn Văn Tùng, lực lượng U23 Việt Nam góp mặt trong danh sách là 7 cầu thủ. Trong trận đấu này, tỷ lệ kiểm soát bóng cũng như các cơ hội của đội tuyển Việt Nam nhiều hơn. Các cầu thủ thể hiện được khá rõ nét triết lý chơi bóng mà ông Troussier áp dụng từ SEA Games 32.
Một chu kỳ đáng ngại với bóng đá Việt Nam
Mới đây, HLV Hoàng Anh Tuấn có nhận xét gây chú ý: Bóng đá Việt Nam và lứa Quang Hải đã chạm ngưỡng giới hạn. Việc họ đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã là “kịch khung”. Quan sát kỹ, có thể thấy bóng đá Việt Nam đang ở chu kỳ đi xuống và rơi vào cuộc khủng hoảng kế cận. Chúng ta đã thất bại 2 kỳ AFF Cup liên tiếp với thế hệ vàng đã lập bao kỳ tích trong 5 năm qua. SEA Games mới đây, U22 Việt Nam đã để thua U22 Indonesia trong trận bán kết. Hai lứa tuyển thủ dự SEA Games 31 và 32 đều không có nhiều nhân tố nổi trội. Để giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự World Cup 2026 và 2030, dứt khoát chúng ta phải trông chờ vào lớp trẻ, lứa U17 đến U20.
Nhiệm vụ đó không thuộc về HLV Troussier, mà nằm ở các địa phương, những HLV trẻ như Hoàng Anh Tuấn. Hệ thống trẻ cần phải được quản trị, đào tạo tách bạch chứ không thể ông Troussier phải cáng đáng luôn U22 Việt Nam. Để có được thành công rực rỡ như thế hệ Quang Hải, phải ghi nhận hai hạt nhân là Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ngay khi mới sang Việt Nam, ông Park đã xây dựng U22 Việt Nam dựa trên các nhân tố của “Gỗ” như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, bổ sung một số cầu thủ từ các lò đào tạo khác như Hà Nội FC, PVF, Sông Lam Nghệ An... Các tuyển thủ trẻ được nhiều năm cùng chơi bóng với nhau; được cọ xát, tập huấn nhiều giải quốc tế. Họ cũng nhanh chóng được trọng dụng ở cấp CLB, tham gia giải chuyên nghiệp. Thật lo khi nhiều cầu thủ vô địch SEA Games 31, đá chính ở SEA Games 32 nhưng hiện lại ngồi dự bị trường kỳ ở CLB.
Nếu HLV Park Hang-seo vẫn còn tại vị, ông cũng khó có thể giúp bóng đá Việt Nam làm nên việc lớn. Vì vậy, thay vì quá đòi hỏi HLV Troussier, bóng đá Việt Nam cần tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, đầu tư chiều sâu thì mới hy vọng cụ thể hóa được những giấc mơ lớn.
HLV Trần Công Minh: Đội tuyển đã tốt dần lên “HLV Philippe Troussier lấy kiểm soát bóng làm chủ đạo nhưng đã hướng lên phía trước với tốc độ luân chuyển cả trái bóng cũng như cầu thủ trên sân chạy nhiều hơn và các miếng đánh cũng đa dạng hơn. Cầm bóng chủ động, ban bật nhiều với cự ly đội hình hợp lý. Những đường xuống bóng ở 2 cánh để đưa vào trong bằng những quả căng sệt tầm thấp sẽ mang lại hiệu quả. Cùng với đó còn có cả những pha thoát xuống đáy biên rồi trả ngược cho tuyến 2 băng lên dứt điểm. Nhìn chung, các cầu thủ tìm được sự thanh thoát, chơi có đường nét hơn trận đá với Hồng Kông (Trung Quốc). Những khởi sắc của đội tuyển Việt Nam nhìn thấy ở cả yếu tố cá nhân cùng lối chơi tập thể. Rõ ràng, qua thời gian “nhào nặn”, các cầu thủ bắt đầu nắm bắt được ý đồ của HLV Troussier. Họ “thuộc bài” hơn để vận hành lối chơi thuần thục hơn. Chưa thể nói đến mức hoàn hảo bởi điều đó còn chờ thêm nhiều yếu tố nữa. Chẳng hạn, khi chơi áp đặt như thế phải giải quyết được tình huống ghi bàn. Hơn nữa, làm sao để chống phản công nếu đối phương thoát pressing tấn công ngược lại. Một điều đáng mừng là bên cạnh sức trẻ từ những làn gió mới thì những cầu thủ cũ vẫn nguyên vẹn động lực, khát khao cùng HLV mới”. |
MỘC MIÊN