Thể thao
Những niềm hy vọng cuối cùng của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024
Khoảng cách về trình độ khá lớn khiến các vận động viên Việt Nam khó tạo nên bất ngờ tại Olympic Paris 2024. Nửa cuối chặng đường ở Thế vận hội năm nay, hy vọng cụ thể hóa mục tiêu giành huy chương của thể thao Việt Nam đặt vào Nguyễn Thị Hương (caneoing) và Trịnh Văn Vinh (cử tạ).
Trịnh Thu Vinh hai lần vào chung kết môn bắn súng nhưng không thể giành huy chương tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Reuters |
Tính đến chiều 4-8, 13 vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam đã tham gia tranh tài tại Olympic Paris 2024 gồm: Nguyễn Huy Hoàng và Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Trần Thị Nhi Yến (điền kinh). Trong số đó, Trịnh Thu Vinh thành công nhất khi hai lần vào chung kết tranh huy chương. Tuy nhiên, tại vòng thi quyết định, dù rất cố gắng nhưng xạ thủ Việt Nam không thể cán đích ở nhóm 3 vận động viên xuất sắc nhất. Sau khi xếp thứ 4 nội dung 10m súng ngắn hơi, ngày 3-8, Trịnh Thu Vinh nhận được nhiều kỳ vọng ở chung kết nội dung 25m súng ngắn thể thao. Dù vậy, lần này cô xếp thứ 7 chung cuộc.
Ngoài Trịnh Thu Vinh, các vận động viên Phạm Thị Huệ, Lê Đức Phát cũng nỗ lực vượt qua chính mình, nhưng chưa thể tranh chấp huy chương với các vận động viên hàng đầu thế giới. Phạm Thị Huệ xếp hạng 23 tay chèo xuất sắc nhất Olympic Paris 2024 với thông số tốt nhất là 7 phút 47 giây 84 ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng. Trong khi đó, Lê Đức Phát khiến vận động viên Prannoy Haseena (Ấn Độ, hạng 13 thế giới) gặp khó khăn mới giành vé đi tiếp ở bảng K đơn nam môn cầu lông.
Sau 10 ngày Olympic Paris 2024 khởi tranh, Philippines là đoàn thể thao thành công nhất khu vực Đông Nam Á. Vận động viên Carlos Yulo giành HCV lịch sử cho Philippines và Đông Nam Á, ở nội dung tự do nam thể dục dụng cụ. Carlos Yulo đạt 15.000 điểm, xếp trên nhà vô địch Tokyo 2020 Artem Dolgopya (Israel) với 14.966 điểm. HCĐ thuộc về vận động viên Jake Jarman (Anh) với 14.933 điểm. Với thành tích này, Yulo trở thành vận động viên Philippines thứ hai giành HCV Olympic, sau đô cử Hidilyn Diaz - HCV hạng 55kg nữ kỳ trước. Ngoài ra, Thái Lan sẽ có huy chương ở Olympic năm nay khi vận động viên Janjaem Suwannapheng ít nhất giành HCĐ sau khi đánh bại Busenaz Surmeneli trong trận tứ kết hạng bán trung nữ môn quyền Anh.
Người hâm mộ hy vọng, thành tích trên của các vận động viên Đông Nam Á tiếp thêm động lực để các vận động viên còn lại của thể thao Việt Nam tạo nên bất ngờ ở những môn thi cuối cùng. Hiện thể thao Việt Nam còn hai vận động viên chưa tranh tài là Nguyễn Thị Hương (caneoing) và Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Đô cử Trịnh Văn Vinh thi đấu cùng 11 vận động viên khác vào ngày 7-8 tại Paris Expo Porte de Versailles. Đô cử Việt Nam xếp trong top 6 thế giới ở hạng 61kg với thành tích tổng cử 294kg (cử giật 131kg, cử đẩy 163kg). Theo giới chuyên môn, để giành huy chương ở Olympic Paris 2024, Trịnh Văn Vinh cần nỗ lực cải thiện thành tích, ít nhất tổng cử phải hơn 300kg. Trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic Paris 2024 môn cử tạ hạng cân 61kg nam, đô cử dẫn đầu là kỷ lục gia Li Fabin (Trung Quốc) với tổng cử 314kg. Xếp sau lần lượt là Hampton Morris (Mỹ) đạt 303kg; Sergio Massidda (Italia) đạt 302kg; Eko Yuli Irawan (Indonesia) và John Ceniza (Philippines) cùng đạt 300kg.
Một ngày sau khi Trịnh Văn Vinh thi đấu, tay chèo Nguyễn Thị Hương là vận động viên cuối cùng của thể thao Việt Nam bước vào tranh tài ở nội dung C1 200. Cô có lần đầu tiên dự Olympic 2024. Đây cũng là lần đầu tiên canoeing Việt Nam tham dự Thế vận hội với suất chính thức. Nguyễn Thị Hương giành vé đến Olympic Paris 2024 với thành tích hạng 2 châu Á. Trong sự nghiệp, cô từng giành 8 HCV SEA Games nội dung cá nhân và đồng đội.
Olympic Paris 2024 đang diễn ra hấp dẫn, kịch tính. Tính đến chiều 4-8, Trung Quốc vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 16 HCV, 12 HCB, 9 HCĐ. Xếp sau trong top 5 lần lượt là: Mỹ (14 HCV, 24 HCB, 23 HCĐ), Pháp (12 HCV, 14 HCB, 15 HCĐ), Australia (12 HCV, 8 HCB, 7 HCĐ), Anh (10 HCV, 10 HCB, 13 HCĐ). Hàn Quốc (9 HCV, 7 HCB, 5 HCĐ) và Nhật Bản (8 HCV, 5 HCB, 9 HCĐ) lần lượt xếp thứ 6 và 7. |
PHI NÔNG