Thể thao
Vòng loại U17 châu Á năm 2025: Cơ hội nào để U17 Việt Nam đi tiếp?
U17 Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi không thể giành chiến thắng trước U17 Kyrgyzstan tại lượt trận mở màn bảng I vòng loại U17 châu Á năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu giành vé dự vòng chung kết, thầy trò HLV Cristiano Roland cần kết quả tốt ở hai trận đấu tiếp theo, trong đó chiến thắng trước U17 Myanmar trong cuộc đối đầu lúc 19 giờ hôm nay (25-10) trên sân Việt Trì (Phú Thọ) là nhiệm vụ bắt buộc.
U17 Việt Nam (áo đỏ) cần chiến thắng trước U17 Myanmar ở lượt trận thứ hai để tiếp tục cuộc đua giành vé dự vòng chung kết U17 châu Á năm 2025. Ảnh: VFF |
Bảng I vòng loại U17 châu Á năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức trên sân Việt Trì đang diễn ra hấp dẫn, kịch tính. Sau lượt trận đầu tiên, U17 Yemen dẫn đầu bảng xếp hạng với 3 điểm, hiệu số +5. U17 Việt Nam và U17 Kyrgyzstan xếp sau với cùng 1 điểm, hiệu số 0. U17 Myanmar xếp cuối với 0 điểm, hiệu số -5. Ban đầu, vòng loại có sự tham dự của 43 đội được chia thành 10 bảng, gồm 7 bảng 4 đội và 3 bảng 5 đội. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt chọn 10 đội đứng nhất và 5 đội đứng nhì có thành tích tốt nhất cùng chủ nhà U17 Saudi Arabia góp mặt ở vòng chung kết.
Tuy nhiên, đội tuyển U17 Li Băng rút khỏi vòng loại nên bảng H chỉ còn 3 đội là U17 Lào, U17 Malaysia và U17 UAE. Điều này khiến việc tính điểm cho các đội xếp nhì bảng có biến động. Cụ thể, đối với các bảng 4 đội (như bảng đấu của U17 Việt Nam), thành tích của đội nhì bảng với đội cuối bảng không được tính. Còn đối với bảng 5 đội, thành tích của đội nhì bảng với các đội xếp thứ 4 và 5 trong bảng không được xét tới. Do đó, để chắc chắn có vé đi tiếp, U17 Việt Nam cần giành ngôi nhất bảng. Nếu đứng nhì và phải so hiệu số với các đội nhì bảng khác, U17 Việt Nam có thể rơi vào tình trạng như U20 Việt Nam phải dừng bước ở vòng loại.
Ở lượt đấu hôm nay, U17 Việt Nam đọ sức với U17 Myanmar lúc 19 giờ. Trong khi đó, U17 Yemen chạm trán U17 Kyrgyzstan lúc 16 giờ. Xét tương quan lực lượng, U17 Việt Nam có thể giành 3 điểm trước U17 Myanmar. Dù vậy, nhiệm vụ của Việt Anh mà các đồng đội không chỉ giành chiến thắng mà còn phải tạo ra cách biệt lớn trước đối thủ để chiếm ưu thế trong cuộc đua đến ngôi đầu bảng. Trước đó, ở lượt trận đầu tiên, U17 Yemen thị uy sức mạnh với chiến thắng 6-1 trước U17 Myanmar.
U17 Việt Nam đối mặt khó khăn, nhưng cơ hội đi tiếp vẫn cao nếu giành chiến thắng ở hai trận đấu còn lại. Để cụ thể hóa mục tiêu này, đội cần khắc phục những hạn chế bộc lộ trong trận hòa 0-0 trước U17 Kyrgyzstan. Trận đấu này các cầu thủ trẻ Việt Nam làm chủ thế trận, tạo ra nhiều tình huống tấn công nguy hiểm nhưng không thể ghi bàn. Quan sát quá trình thi đấu có thể thấy, U17 Việt Nam giữ cự ly đội hình chưa tốt, dẫn đến việc các tuyến hỗ trợ tấn công hoặc phòng thủ chưa đồng bộ. Từ đó nếu để mất bóng ở giữa sân, U17 Việt Nam đối mặt những đợt phản công nguy hiểm của các cầu thủ U17 Kyrgyzstan. Ngoài ra, U17 Việt Nam vẫn bộc lộ điểm yếu cố hữu là các pha đỡ bước một luôn bị lỗi, giúp các cầu thủ U17 Kyrgyzstan dễ dàng cắt bóng hoặc cản phá thành công.
U17 Myanmar được đánh giá yếu nhất bảng I nên không bất ngờ khi U17 Việt Nam sử dụng lối chơi tấn công áp đảo đối thủ. Hiện các trụ cột của đội gồm: Gia Bảo, Văn Dương, Duy Đăng, Đức Duy, Việt Anh… sẵn sàng ra sân để hướng tới chiến thắng đầu tiên. Trong khi đó, ở trận đấu sớm, U17 Yemen và U17 Kyrgyzstan cũng có lực lượng mạnh nhất, hứa hẹn tạo nên 90 phút so tài hấp dẫn. U17 Kyrgyzstan quyết tâm giành chiến thắng để soán ngôi đầu bảng, nhưng những gì U17 Yemen thể hiện cho thấy họ đang có phong độ cao.
Đại diện Tây Á tập huấn dài ngày ở Jordan và Oman để rèn quân cũng cho thấy tham vọng lớn của họ tại vòng loại U17 châu Á năm 2025. Lượt trận thứ hai mang tính bước ngoặt nên U17 Yemen, U17 Kyrgyzstan và U17 Việt Nam không muốn đánh mất cơ hội. Nhiều khả năng 3 đội tiếp tục tạo nên cuộc đua “tam mã” đến lượt trận quyết định.
PHI NÔNG