.

Tuyển Việt Nam: Khung thành chưa vững chãi!

.

Chấn thương ngón tay của thủ thành Trần Nguyên Mạnh không nặng nhưng đủ khiến HLV Toshiya và các cộng sự lo tái mặt, dù đội tuyển Việt Nam vẫn còn đó Nguyễn Thanh Bình, thậm chí Tô Vĩnh Lợi (dự phòng). Điều đó ít nhiều nói lên một thực tế, khung thành của đội tuyển Việt Nam vẫn chưa thể gọi là yên ổn.

Thủ môn Nguyên Mạnh (phải) đã vượt lên sai lầm ở trận gặp Indonesia để hướng về phía trước. Ảnh: VSI
Thủ môn Nguyên Mạnh (phải) đã vượt lên sai lầm ở trận gặp Indonesia để hướng về phía trước. Ảnh: VSI

1. Ở AFF Cup 2014, HLV Miura có 3 thủ môn là Nguyên Mạnh, Thanh Bình và Tô Vĩnh Lợi (dự phòng). Trong số này, Thanh Bình dày dạn kinh nghiệm nhưng Nguyên Mạnh tỏ ra toàn năng hơn. Vì thế, việc ông Miura chọn thủ thành của SLNA không có gì đáng lăn tăn. Hơn nữa, nhà cầm quân người Nhật luôn ưu tiên những tài năng trẻ với mong muốn xây dựng một nền móng vững chắc cho đội tuyển Việt Nam.

Thực tế cho thấy, Nguyên Mạnh xứng đáng đứng trong khung gỗ của đội tuyển Việt Nam. Tâm lý ổn định, ra vào hợp lý, phản xạ nhanh là ưu điểm của Nguyên Mạnh. Nếu không có sai lầm đáng tiếc trong trận hòa Indonesia thì hẳn Nguyên Mạnh đã tạo được yên tâm gần như tuyệt đối. Trận thắng Philippines, Nguyên Mạnh bắt tốt nhưng người xem vẫn có cảm giác âu lo cũng chính vì sai lầm trước đó.

Khi Nguyên Mạnh gặp “tai nạn” trong trận gặp Indonesia, người ta chợt giật mình bởi việc mắc sai lầm dường như đã thành “nỗi ám ảnh” của các thủ môn bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây, chẳng hạn như Tấn Trường với sai lầm đáng trách trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2010, khiến đội tuyển Việt Nam thua 0-2 trước đội tuyển Malaysia và đánh mất danh hiệu ĐKVĐ.

Ngoài Tấn Trường, còn có một số thủ môn khác thi thoảng cũng khiến người xem thót tim với những pha xử lý thiếu an toàn cùng phong độ thiếu ổn định như Bửu Ngọc hay Thanh Bình…

Ngay cả AFF Cup 2008, giải đấu mà đội tuyển Việt Nam đăng quang và thủ thành Dương Hồng Sơn đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải, thì Hồng Sơn cũng vẫn mắc phải sai lầm trong trận mở màn vòng bảng gặp đội tuyển Thái Lan, khiến đội tuyển Việt Nam thất bại với tỷ số 0-2.

2. Kể từ khi hội nhập trở lại (SEA Games 1991), bóng đá Việt Nam sản sinh ra khá nhiều thủ môn xuất sắc. Có thể kể đến Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang (Bình Định), Nguyễn Văn Phụng (Quảng Ngãi), Võ Văn Hạnh (Phú Yên), Dương Hồng Sơn (Nghệ An).

Họ là những thủ môn hội tụ gần như đầy đủ những tố chất của một “người gác đền”. Sự khác biệt giữa họ với thế hệ thủ môn bây giờ có lẽ chính là tài năng trời phú. Hơn nữa, họ trưởng thành trong môi trường khó khăn nên đã tự rèn luyện cho mình sự can lì, bản lĩnh vững vàng.

Nhắc lại quá khứ và liên tưởng đến hiện tại để thấy rằng, qua bao nhiêu thập kỷ hội nhập và phát triển, bóng đá Việt Nam vẫn chưa hết lo ở vị trí thủ môn. Liệu có đáng ngẫm không khi việc đào tạo thủ môn hiện nay ở nhiều CLB bóng đá Việt Nam vẫn diễn ra một cách tự phát theo chủ nghĩa kinh nghiệm là chính, thay vì bài bản?

Chẳng nói đâu xa, ngay như Dương Hồng Sơn và Trần Nguyên Mạnh cũng trưởng thành tự phát, bởi SLNA chưa có HLV thủ môn. Có lẽ cũng chính vì thế mà một vài thủ môn “nở sớm tàn nhanh”, như Đức Cường chẳng hạn.

Hiện nay ở Bình Định, CLB thủ môn Hùng Cường của cựu HLV Dương Ngọc Hùng, được kỳ vọng là nơi sẽ cung cấp đội ngũ chốt chặn cuối cùng đầy đủ phẩm chất cho các CLB V-League và đội tuyển Việt Nam trong tương lai.

3. Trở lại với vị trí thủ môn hiện tại của đội tuyển Việt Nam, Trần Nguyên Mạnh như đã nói xứng đáng là sự lựa chọn số 1. Tuy nhiên, để Nguyên Mạnh hoàn thành tốt phần việc của mình thì hệ thống phòng ngự cần phải chắc chắn. Qua 3 trận đấu vòng bảng, chưa thể nói đội tuyển Việt Nam đang sở hữu hàng hậu vệ thực sự làm người xem yên tâm.

Để vô địch AFF Cup 2014, bên cạnh phát huy tốt nhất năng lực tấn công, đội tuyển Việt Nam cần giữ vững khung thành, trong đó, vị trí thủ môn vô cùng quan trọng. Ở AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam chỉ để thủng lưới 6 bàn sau 7 trận và lên ngôi, còn tại AFF Cup 2014, sau 3 trận vòng bảng, đội tuyển Việt Nam đã bị thủng lưới 4 bàn.

TT&VH

;
.
.
.
.
.