Bóng đá Việt Nam
Lại thỏa hiệp
Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 7 (nhiệm kỳ 2014-2018) vừa khép lại vào ngày 26-12 vừa qua. Cũng chẳng mấy ai tin vào một sự chuyển động tích cực của bóng đá nước nhà, dù mùa giải mới đang cận kề!
Không đào tạo các tuyến trẻ, liệu QNK Quảng Nam (áo trắng) có bị đình chỉ thi đấu ở mùa giải mới 2016? |
Bất chấp ông Nguyễn Hồng Thanh (CLB Sông Lam Nghệ An) là ủy viên Ban chấp hành VFF dám “nói thẳng, nói thật”, song để nghe và để thay đổi lại là chuyện của VFF. Không những thế, một ông Nguyễn Hồng Thanh dám nói, quả là quá ít so với cả ban chấp hành gồm 23 thành viên.
Vì thế, dù ông dám mạnh mẽ bày tỏ bức xúc với việc Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn “ôm đồm quá nhiều việc”, cũng như việc ông Tuấn bị tố cáo có những tiêu cực, rốt cuộc mọi ý kiến của ông Thanh vẫn rơi vào im lặng.
Trước đây, ông Nguyễn Hồng Thanh cũng từng phát biểu: “Tôi có cảm giác VFF đang hoạt động giống như Công ty TNHH… hai thành viên”, bởi toàn bộ quyết định của VFF đều do ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn quyết định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi sự vẫn không thay đổi.
Ngay lời hứa của VFF cũng chỉ “để gió cuốn đi”! Bởi trước đại hội, trong cuộc vận động Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, các Liên đoàn Bóng đá địa phương được hứa tặng 500 triệu đồng để hoạt động và mỗi đội bóng sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng. Nhưng hơn một năm qua, các đội bóng vẫn… chờ đợi, trong khi các Liên đoàn Bóng đá địa phương được gửi tặng… một máy vi tính để bàn.
Dĩ nhiên, không ít đơn vị đã từ chối nhận món quà của VFF như phản ứng về cách hành xử chẳng đâu vào đâu của VFF.
Có lẽ vì thế, hầu như chẳng CLB nào “ngán” VFF một khi tổ chức điều hành bóng đá nước nhà thiếu “cái uy” lẫn “cái tầm”! Gần đây nhất, việc VFF tiến hành cấp phép cho các CLB tham gia V-League 2016 cũng đang gặp nhiều trắc trở.
Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), kể từ mùa giải 2015, VFF phải tiến hành cấp phép cho các CLB V-League đáp ứng được những tiêu chí của AFC. Do quy định còn khá mới mẻ nên ở mùa bóng trước, toàn bộ các CLB đều được dễ dàng cấp phép.
Nhưng từ mùa bóng 2016, để được cấp phép, chỉ có 6 CLB gồm Bình Dương, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, Sanna Khánh Hòa, Than Quảng Ninh và Đồng Tháp đáp ứng đủ các tiêu chí. Các CLB Cần Thơ, Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa, QNK Quảng Nam, Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An chưa đáp ứng các tiêu chí như cơ sở vật chất; tài chính (thiếu báo cáo tài chính có kiểm toán); tiêu chí thể thao (thiếu đội trẻ tham dự các giải trẻ quốc gia ở cùng độ tuổi). Riêng CLB Hà Nội vì mới thăng hạng nên được cho thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ.
Chính vì nhận biết được “lỗ hổng” trong điều hành của VFF nên Giám đốc Điều hành CLB QNK Quảng Nam Nguyễn Húp chẳng ngần ngại khẳng định: “Đúng là chúng tôi chưa có các đội trẻ. Vì thế chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, VFF hay Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng không thể không cho chúng tôi tham dự V-League 2016 được. Lịch bốc thăm mùa giải mới đã tiến hành rồi”. Hay như Hoàng Anh Gia Lai, dù có đào tạo trẻ nhưng CLB này đã không cử đội U-15, U-17 dự giải và chấp nhận bị phạt 200 triệu đồng/đội, theo điều 70 của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp!
Lần này, VFF lại “xuống nước” và có lẽ phải chấp nhận thỏa hiệp với các CLB chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, như cách các CLB đã thỏa hiệp cùng những cá nhân lãnh đạo VFF ở đại hội vừa qua. Nếu không, liệu VFF sẽ xử lý thế nào với những CLB không đào tạo trẻ hay “tẩy chay” các giải trẻ như QNK Quảng Nam và Hoàng Anh Gia Lai?
Bài và ảnh: BẢO AN