Bóng đá Việt Nam

Chấm dứt hợp đồng với HLV Miura

08:26, 29/01/2016 (GMT+7)

Vậy là điều phải đến đã đến. Trong cuộc họp diễn ra sáng 28-1, Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), với sự đồng thuận của 11/16 thành viên có mặt, đã chấp thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với HLV người Nhật Bản Toshiya Miura.

Sự quan tâm đến các học trò là điều rất dễ nhận thấy ở HLV Toshiya Miura.
Sự quan tâm đến các học trò là điều rất dễ nhận thấy ở HLV Toshiya Miura.

Quyết định này không bất ngờ, bởi trước đó ông Miura đã không tạo được niềm tin với người hâm mộ khi xây dựng một lối chơi quá thiếu ấn tượng cũng như cách sử dụng cầu thủ bất hợp lý ở cả đội tuyển quốc gia lẫn đội tuyển U-23 Việt Nam. Việc đội tuyển U-23 Việt Nam “trắng tay” tại vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á 2016 được xem là “cái cớ” không thể tốt hơn để những người muốn phế truất ông Miura thực hiện ý đồ của mình (!?).

Thậm chí, để dễ dàng hạ bệ Miura, đã có “chiêu trò” được xem là “đòn bẩn” đối với vị HLV Nhật Bản. Cụ thể hơn, trong trận đấu cuối cùng tại Doha 2016 với U-23 UAE, các cầu thủ U-23 Việt Nam bất ngờ chơi khởi sắc. Dù thua cuộc nhưng thầy trò HLV Miura vẫn được HLV Abdullah Misfir (U-23 UAE) đánh giá rất cao. Sau đó, đã có những thông tin khẳng định, U-23 Việt Nam lột xác nhờ “các cầu thủ tự bảo nhau đá”, thay vì tuân theo chỉ đạo của ông Miura (?). Ngay sau khi biết thông tin đó, một cầu thủ trụ cột của U-23 Việt Nam đã phủ nhận điều này và xác nhận: “Toàn đội vẫn tuân thủ đúng yêu cầu chiến thuật của thầy Miura”. Cả một vị lãnh đạo VFF cũng phát biểu: “Đây chỉ là một đòn quá “ác” nhắm vào Miura”.

Đừng quên rằng, dưới thời Miura, nền tảng thể lực cũng như bản lĩnh, ý chí của các cầu thủ Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Về chuyên môn, ông cũng đạt được những kết quả như thỏa thuận với VFF khi đưa bóng đá Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2014, đoạt HCĐ SEA Games 2015, vào vòng 1/8 giải Bóng đá nam ASIAD 17 và đưa đội tuyển U-23 lần đầu vào vòng chung kết giải Bóng đá U-23 châu Á.

Không thể phủ nhận vị HLV này có rất nhiều hạn chế trong việc dẫn dắt các đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Vì thế, việc ông Toshiya Miura bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không phải là bất thường. Sự bất thường ở đây chính là cách hành xử của VFF với vị thuyền trưởng của bóng đá Việt Nam.

Ngay từ trước khi cùng các học trò sang Doha 2016, ông Miura từng bị một lãnh đạo VFF “hằm hè” chỉ bởi quân của ông ít được trọng dụng (!). Trước đó không lâu, cũng chính ông này từng ca ngợi và mong muốn đưa cho được Miura về dẫn dắt CLB do ông làm chủ. Nhắc lại để thấy rằng, đôi khi, những người có tiếng nói và vai trò quyết định trong VFF cũng chỉ sử dụng tổ chức điều hành bóng đá Việt Nam cho mục đích cá nhân. Mà ở đây là một cách “trả thù” được ví như “đòn đánh dưới thắt lưng”!

Ông Miura có những hạn chế, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về sự yếu kém của bóng-đá-Việt-Nam-thời-Miura? Việc bổ nhiệm vị HLV người Nhật Bản “theo đúng quy trình” và Hội đồng HLV quốc gia là người tham vấn để VFF ký hợp đồng cùng ông Miura. Vậy, trách nhiệm của Hội đồng HLV quốc gia được xem xét như thế nào? Xa hơn nữa, còn là vai trò của VFF trong việc bầu ra Hội đồng HLV quốc gia; thay vì mọi thất bại đều đẩy toàn bộ trách nhiệm cho ông Miura.

Với Miura, chỉ là một lời chào tạm biệt nhẹ nhàng. Nhưng còn tương lai bóng đá nước nhà sẽ ra sao? Một câu hỏi vẫn chưa có lời giải…

Bài và ảnh: BẢO AN

.