Y tế - Sức khỏe
Bảo vệ sức khỏe trước những biến đổi của khí hậu
Biến đổi khí hậu làm những người có sức chịu đựng kém sẽ chết, giá lương thực cao lên, số người nghèo gia tăng, người suy dinh dưỡng ngày càng nhiều... Chưa tính đến các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cũng sẽ khó đạt được. Do vậy cần “Bảo vệ sức khỏe từ những biến đổi của khí hậu”, đó là một nội dung được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn làm chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới 7- 4 năm nay.
“Một giả thiết đang được đặt ra là nếu nhiệt độ trung bình tăng lên thêm 20C đến 30C so với mức hiện nay, ước tính sẽ có thêm 600 triệu người ở tiểu khu vực châu Phi bị đói, hơn 300 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do bão lũ và có thêm 400 triệu người bị bệnh truyền nhiễm như sốt rét, viêm màng não, sốt xuất huyết. Nói cách khác, thất bại trong việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu sẽ có hậu quả nghiêm trọng đến con người và sẽ cản trở mọi nỗ lực giảm nghèo của chúng ta”. Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đã thẳng thắn nêu ra thực trạng trên tại hội thảo “Biến đổi khí hậu và phát triển con người” do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, Cục Bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp tổ chức vào cuối năm 2007.
Ô nhiễm môi trường từ khói bụi cũng sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. |
Tại Việt Nam, mặc dù không bị tác động lớn bởi lượng khí thải CO2 gây ra, tuy nhiên trong khoảng vài năm trở lại đây, sự xuất hiện ngày càng mạnh của triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh, sông Hồng cạn kiệt ở mức kỷ lục trong 100 năm qua, hàng loạt cơn bão, lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung cuối năm 2007 và gần đây nhất là đợt không khí lạnh kéo dài hàng tháng trời ở miền Bắc đã làm không chỉ hàng trăm con trâu, bò chết, thiệt hại mùa màng mà số người chết do thiên tai cũng tăng. Sự tác động của thiên tai ít nhiều đã làm “thụt lùi” chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhiều gia đình, nhất là đối với người già và trẻ em. Khí hậu thay đổi đã làm xuất hiện các dịch bệnh thường xuyên và trái với quy luật trước đây như dịch sốt xuất huyết, cúm gia cầm, cúm A ở người…
Các nhà khoa học cho rằng, hạn hán sẽ khiến vụ mùa thất bát và tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng hơn ở một số khu vực. Các cơn bão mang theo tro bụi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh về đường hô hấp trong khi lũ lụt kèm các trận bão cực mạnh sẽ làm tăng thiệt hại về người và của, đồng thời gây ra nhiều loại dịch bệnh, đói rét, từ đó giảm chất lượng cuộc sống một cách đột ngột. Đó không còn là viễn cảnh đen tối mà là một thực tế cần phải sớm nhìn nhận để có cách phòng ngừa. Do vậy cần phải đánh giá đủ và đúng các tác động ô nhiễm của không khí đối với sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường gây ra. Việc bảo vệ môi trường sống và làm việc của con người không thể tách rời vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là một trong những hành động cần phải thực hiện sớm để có thể giảm tác hại từ những biến đổi của khí hậu. Từ đó có thể giảm các tác hại đến sức khỏe con người như dịch bệnh, thiên tai… Nâng cao hiệu quả và tiết kiệm trong sử dụng năng lượng không những tiết kiệm hiệu quả kinh tế, mà quan trọng hơn là giảm thiểu đốt nhiên liệu hóa thạch và đưa đến hiệu quả giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Với mục tiêu xây dựng “thành phố môi trường”, thành phố Đà Nẵng hiện nay là một trong số ít địa phương trong cả nước thực hiện nếp sống văn minh đô thị, sáng- xanh-sạch-đẹp. Đây cũng là cách để giảm thiểu các tác động từ khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG