“Những người không may mắc chứng bệnh nan y suy thận như tôi phải gắng gượng sống chung với các bệnh viện, bởi mỗi tuần tôi bắt buộc phải chạy thận 3 lần để duy trì sự sống. Nếu ngớt đi một tuần, đến tuần thứ hai là cái chết chực sẵn” - Chị Ngô Thị Kim Chi (thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), người đã có 6 năm chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) tâm sự.
Gia sản “đội nón” ra đi
Chị Chi và cánh tay nổi cục phải chạy thận nhân tạo trong thời gian dài. |
Sáu năm trước, chị Chi phát hiện mình mắc bệnh suy thận mãn. Do phát hiện muộn nên bệnh tình đã đến giai đoạn cuối bắt buộc phải chạy thận, nếu không sẽ chết. Chị kể, “Lúc đó, chi phí cho một lần chạy thận nhân tạo khoảng 250 đến 300 ngàn đồng. Do tôi không có BHYT nên năm đầu chạy thận đã phải vay mượn tiền để đóng viện phí”.
Tiền vay mượn ngày càng chồng chất, con cái thì khó khăn, chị Chi quyết định bán nhà, bán rẫy mà hai vợ chồng chị mất 15 năm gầy dựng khi xung phong đi kinh tế mới tại tỉnh Bình Phước. Cầm trên tay 200 triệu đồng từ tiền bán gia sản, chị trả nợ 50 triệu đồng. Số tiền còn lại chị không dám ăn, để dành hết chi phí chạy thận. “Tôi đánh đổi cả gia sản để chữa bệnh, nhưng chắc rồi cũng chào thua vì thận mà hư thì có sống cũng như người đã chết”, chị Chi mếu máo.
Lần thứ hai đưa đứa con gái chỉ mới 18 tuổi đến chạy thận, người mẹ có tên Hường (thôn Tứ Câu, xã Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam) rơm rớm nước mắt mỗi khi nhìn vào khu hành lang dẫn vào các phòng với máy móc lỉnh kỉnh, nơi con chị đang chạy thận lọc máu. “Nó hồn nhiên lắm, vừa thi xong lớp 12, nói ở nhà với mẹ thời gian, sau đó sẽ đi xin việc làm để có tiền phụ mẹ. Rứa mà...”, chị ôm mặt khóc nức nở.
Chị Chi kể, có người chạy thận tại BVĐN không thể chịu nổi sự khổ cực của bản thân và gánh nặng cho gia đình, đã tìm đến cái chết để giải thoát. Đó là một nam bệnh nhân chỉ vừa tròn 20 tuổi nhưng bị suy thận giai đoạn cuối. Người cha đạp xích lô kiếm sống, được đồng nào ông đều đưa hết cho con để chạy thận. Hơn 1 năm chạy thận, lọc máu, trong cơn túng quẫn tột cùng, bệnh nhân này đã tự tử bằng cách nhảy lầu.
Trung bình, mỗi ngày BVĐN chạy thận cho khoảng 152 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chiếm hơn 50%. |
Bác sĩ Nguyễn Hữa Đa, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BVĐN cho biết, mắc bệnh này thì đến người giàu cũng trở thành người nghèo, bởi chi phí điều trị rất tốn kém, thời gian điều trị đến hết cuộc đời. Trước khi đến giai đoạn lọc máu thì họ đã phải điều trị một thời gian dài. Phần lớn bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều phải tự lo cho bản thân, tự vào bệnh viện lọc máu, lọc xong tự về nhà; trong lúc đó không thể làm ra tiền nhưng hằng tuần phải tốn một khoản chi phí khá lớn cho thuốc men, ăn uống, nên phải nhờ vào người khác, rất khổ sở. Vì thế, có những người bệnh nản lòng, tuyệt vọng, muốn buông xuôi để đỡ gánh nặng cho gia đình.
Bi quan trong cuộc sống
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở BVĐN hầu hết đều trong hoàn cảnh gia đình túng thiếu. Họ không dám ăn, chi tiêu tiết kiệm để dành tiền chạy thận. Nhiều người không thiết sống nữa bởi mình làm khổ gia đình, người thân. Bi quan, chán nản, kiệt quệ về vật chất và tinh thần, đó là tình cảnh chung của các bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Bởi hiện nay chi phí mỗi lần chạy thận nhân tạo cho một bệnh nhân khoảng từ 300 đến 400 ngàn đồng. Nếu trong một tuần không chạy thận thì bệnh nhân sẽ bị tăng huyết áp, nhiễm độc toàn thân, suy tim, dẫn đến tử vong.
Vì thế, trong quá trình chạy thận, những bệnh nhân có BHYT, ngoài những loại thuốc trong danh mục BHYT cấp, bình quân hằng tháng họ còn phải chi phí thêm hàng trăm ngàn đồng để mua thuốc trợ tim, hạ huyết áp, can-xi. Bệnh nhân bị suy thận thường bị thiếu sắt, thiếu đạm, thiếu máu, cần phải có chế độ ăn uống giảm mặn, giảm mỡ, đủ dinh dưỡng nhưng vì không có tiền nên hầu hết họ ăn uống qua loa cho qua ngày và tiết kiệm tiền để chữa bệnh.
Cũng có những bệnh nhân có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, muốn thay thận, mặc dù chi phí mỗi ca phẫu thuật tốn kém đến vài trăm triệu đồng, nhưng ngặt nỗi nguồn thận không có. Hơn nữa, sau khi thay thận, phải theo dõi độ tương thích của thận mới thay, nếu không thận đó sẽ bị đào thải. Vì thế nhiều bệnh nhân đắn đo.
Bất kể người giàu hay nghèo, khi đã mắc căn bệnh thận mãn tính đều có nỗi đau chung. Nhưng từ bài viết này, chúng tôi thấy rõ hơn nỗi đau chạy thận của những người nghèo. Phải chăng, đây cũng là địa chỉ cần đến dành cho những nhà hảo tâm trong xã hội hôm nay.
Bài và ảnh: Diệu Minh