.

Chặn đứng dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa

.
Trong tháng 9 vừa qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh tại những quận trọng điểm của thành phố Đà Nẵng như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê. Bệnh nhân SXH tăng nhanh khiến người dân lo lắng bởi nếu không triển khai nhiều biện pháp mạnh thì khả năng dịch bùng phát trong mùa mưa này là điều không tránh khỏi.

Mô tả ảnh.
Cán bộ phòng dịch phun thuốc xử lý môi trường các khu vực xuất hiện nhiều muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ở khu dân cư.   Ảnh: VIỆT DŨNG
Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ (Th.S) Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) thành phố Đà Nẵng về những giải pháp giám sát và chặn đứng dịch SXH bùng phát trong 3 tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Theo Th.S Tôn Thất Thạnh cho biết, tính đến thời điểm này, toàn thành phố ghi nhận trên 2.500 bệnh nhân SXH, trong đó có một trường hợp đã tử vong do diễn tiến bệnh quá nặng. Năm 2010, SXH tại Đà Nẵng đã đạt đỉnh điểm trong 10 năm qua và theo quy luật SXH sẽ giảm dần. Tuy nhiên, do những biến đổi khí hậu thời gian qua, nên các quy luật đều có thể thay đổi và không loại trừ dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

* P.V: Ông có thể cho biết vì sao dịch SXH từ tháng 4 đến tháng 6 đã giảm, nhưng lại tăng mạnh trở lại từ tháng 7 đến tháng 9  và công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế  vừa qua đã đạt kết quả như thế nào?

- Th.S Tôn Thất Thạnh: Theo thống kê, ở khu vực miền Trung, thành phố Đà Nẵng có số người mắc SXH cao thứ 4 sau các địa phương như Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Theo tôi, diễn biến thời tiết bất thường chính là nguyên nhân tạo điều kiện phát triển véc-tơ truyền bệnh SXH tăng. Năm 2010 cũng là thời điểm của chu kỳ đỉnh điểm của SXH, nên dịch bệnh này diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc nhiều là điều có thể dự báo từ trước. Mặt khác, đuôi dịch SXH từ năm 2009 kéo dài sang năm 2010 cũng tạo điều kiện cho dịch đến sớm hơn mọi năm và xảy ra trên diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, phòng và xử lý ổ dịch, kết hợp với  kinh phí trong Chương trình mục tiêu phòng, chống bệnh SXH của ngành Y tế. Đồng thời, ngành đã trang bị máy phun thuốc, hóa chất… tương đối đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch SXH. Tuy vậy, dịch SXH vẫn tăng trở lại trong các tháng 7, 8, 9 do thời tiết đang bước vào mùa mưa, nhiều khu vực giải tỏa chưa ổn định mặt bằng gây nên ao tù nước đọng và một nguyên nhân không kém quan trọng  là vẫn còn không ít người dân thiếu ý thức phòng bệnh SXH ngay tại gia đình.
 
Vấn đề đáng lưu ý là lâu nay, các địa phương cũng có tổ chức dọn vệ sinh môi trường, nhưng còn mang tính hình thức, một số nơi mới chỉ huy động người dân dọn rác ở ngoài đường phố, mà không chú trọng thu dọn, xử lý các ổ dịch nằm ngay trong các hộ gia đình. Chính vì vậy mà hiệu quả công tác phòng, chống SXH chưa đạt như mong muốn.

* P.V: Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm YTDP thành phố, những ổ dịch SXH chủ yếu nằm ở khu vực đông dân cư. Những ao tù nước đọng sinh bọ gậy đã được các Đội y tế dự phòng quận, huyện tập trung xử lý hóa chất, nhưng vì sao vẫn xuất hiện thêm muỗi và bệnh nhân mắc bệnh trong những ngày gần đây?

- Th.S Tôn Thất Thạnh: Khi xuất hiện dịch bệnh, chúng tôi đã cử ngay cán bộ dịch tễ tuyến thành phố, hoặc tuyến quận, huyện xuống giám sát, xử lý khá triệt để các ổ dịch. Một số khu vực được phun thuốc theo đúng quy trình xử lý ổ dịch của Bộ Y tế là tiến hành 2 đợt phun, kết hợp giám sát lượng lăng quăng phát sinh. Tổng số ổ dịch đã được xử lý môi trường là hơn 500 điểm, rải rác tại nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, cái khó trong vấn đề xử lý chính là thái độ thờ ơ, thiếu ý thức của một bộ phận người dân với dịch bệnh SXH.
 
Chẳng hạn như ở quận Sơn Trà, các cán bộ y tế cho biết, khi khảo sát điều tra có một số gia đình lại có thái độ bất hợp tác. Điều này được minh chứng bằng việc đã có rất nhiều ổ dịch có số lượng lên đến 1.000 con lăng quăng được phát hiện trong những gáo dừa nhỏ bỏ đi, hoặc những vỏ lon bia đã sử dụng, chậu hoa, cây cảnh... để tụ nước. Đây chính là ổ bệnh SXH mà người dân thường không để ý.

* P.V: Mặc dù số lượng ca mắc cao, nhưng nhìn chung diễn biến của bệnh SXH vẫn trong tầm kiểm soát của ngành Y tế, tuy nhiên để không xảy ra bùng phát dịch, trong thời gian tới, ngành Y tế thành phố sẽ phải làm gì để ngăn chặn?

- Th.S Tôn Thất Thạnh: Một khi dịch SXH bùng phát thì rất khó để dập tắt trong điều kiện thời tiết mưa gió. Do đó, các hộ gia đình, địa phương không nên chủ quan với dịch SXH. Bên cạnh đó, tại một số khu dân cư có nhiều sinh viên thuê trọ, đã ghi nhận nhiều ca mắc SXH. Qua giám sát, việc giữ gìn vệ sinh nơi ăn chốn ở và khu vực quanh nhà trọ chưa được sinh viên chú ý. Do vậy, dịch bệnh có thể sẽ bùng phát mạnh nếu người dân tiếp tục thờ ơ. Hiện nay lực lượng y tế phòng dịch các tuyến khá mỏng, do vậy, để giám sát và ngăn chặn dịch SXH, trước hết, các địa phương, ban ngành phải thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về công tác phòng bệnh.
 
Các địa phương xuất hiện nhiều bệnh nhân phải huy động mọi nguồn lực, tăng cường tập trung chỉ đạo, kiểm tra giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị chưa làm tốt công tác phòng chống SXH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nói chuyện về phòng chống SXH với sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng và tại các tổ dân phố nhằm nâng cao kiến thức phòng chống SXH cho cộng đồng. Phải làm thế nào để người dân hiểu rằng môi trường sống “Không có bọ gậy, không có muỗi, không có SXH”.

Việt Dũng
;
.
.
.
.
.