.

Dịch sốt xuất huyết tăng gấp 6 lần

.

(ĐNĐT) - Chưa năm nào dịch sốt xuất huyết (SXH) ở thành phố Đà Nẵng lại tăng cao như năm nay. So với cùng kỳ năm 2009, số ca mắc bệnh hiện đã cao gấp 6,36 lần, trong đó có một trường hợp tử vong ở quận Sơn Trà.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có văn bản yêu cầu Bí thư các quận, huyện ủy chỉ đạo, huy động các lực lượng tại địa phương chủ động tổ chức, tham gia các hoạt động nhằm khống chế và ngăn chặn dịch SXH bùng phát trên địa bàn.

Mô tả ảnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm y tế quận Sơn Trà

Dịch bùng phát mạnh trong 3 tháng gần đây

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, dịch SXH bùng phát và tăng mạnh trở lại trong khoảng từ đầu tháng 7-2010, cao điểm nhất là từ tháng 8 đến tháng 10-2010. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 811 ổ dịch, trong đó chỉ tính riêng 2 tuần đầu tháng 10, đã có 125 ổ dịch ở 7 quận, huyện.

Tính đến hết ngày 19-10, toàn thành phố có 3.272 ca mắc SXH. Trong đó, quận Hải Châu 900 ca; quận Sơn Trà 724 ca; quận Thanh Khê 460 ca; quận Liên Chiểu 372 ca; quận Ngũ Hành Sơn 362 ca; quận Cẩm Lệ 276 ca và huyện Hòa Vang 178 ca. Tại quận Sơn Trà, đã có 1 trường hợp bị tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Sơn Trà, cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm y tế quận phối hợp với chính quyền tại địa phương tiến hành xử lý 100 ổ dịch, tuy nhiên thời gian qua vẫn bùng phát mạnh.

Thống kê của Trung tâm y tế quận Sơn Trà, từ tháng 1-1-2010 đến hết 30-6-2010, quận có 235 ca; thì từ 1-7-2010 đến hết ngày 19-10-2010 đã lên tới 724 ca. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các phường Thọ Quang (220 ca), phường An Hải Bắc (123 ca), phường An Hải Đông (106 ca)… Tại Trung tâm y tế quận mỗi ngày tiếp nhận gần 200 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong khi khoa Nội chỉ có 70 giường, nên tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra.

­­Tình hình trên cũng diễn ra tương tự tại Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, bởi khoa Nội chỉ có 40 giường bệnh, trong khi số lượng bệnh nhân nằm điều trị SXH lên tới 95 người, nên dẫn tới tình trạng bệnh nhân đều phải nằm ghép đôi.

Quan trọng nhất là nhận thức của người dân

Trước tình hình dịch SXH bùng phát, UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, vận động người dân chủ động hơn và tự giác trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống như vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng một lần/tuần tại các hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư…

Lãnh đạo UBND thành phố cũng thường xuyên cùng đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Y tế thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện tiến hành kiểm tra thực tế tình hình thực hiện công tác diệt bọ gậy, loăng quăng tại các hộ dân cư.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân khiến dịch SXH tăng cao trong thời gian qua là do tình hình thời tiết diễn biến thất thường, lại mưa nhiều. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị trên diện rộng cũng tạo ra những khu đất trống, cống rãnh, hồ nước nhỏ, bãi rác tại các lô đất chưa làm nhà...  tạo thuận lợi cho muỗi sinh sản nhanh.

Hơn nữa, người dân cũng chưa thật sự quan tâm và nhận thức đầy đủ về công tác phòng chống SXH; công tác vệ sinh môi trường, xử lý loăng quăng, diệt muỗi ngay tại hộ gia đình còn yếu, và chỉ làm tốt khi có sự nhắc nhở, kiểm tra.

Bác sĩ Thạnh cũng cho biết thêm, hiện trung tâm đang chỉ đạo các Đội y tế dự phòng quận, huyện vận động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng tại những vùng phát dịch và những vùng nguy cơ tiềm ẩn cao như quận Sơn Trà, quận Hải Châu…. Số thuốc men, hóa chất chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đảm bảo đủ phòng khi có dịch xảy ra.

“Đa số người dân vẫn ỷ lại vào việc phun hóa chất nhưng không chú trọng giữ sạch môi trường. Bởi ngay khi đã xử lý, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra vì đây chỉ là biện pháp nhất thời. Do đó, quan trọng nhất vẫn là ở nhận thức của mỗi người dân trong việc đảm bảo vệ sinh quanh khu vực nhà ở, tự phòng bệnh cho mình”, bác sĩ Cúc nhấn mạnh.

“Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng nên thành lập đội liên ngành, thường xuyên kiểm tra gắt gao với các đơn vị thi công các công trình trên địa bàn thành phố, yêu cầu họ có hướng xử lý tốt mặt bằng trước khi bàn giao. Tránh để những vũng nước đọng, những vật dụng chứa nước, không có môi trường cho bọ gậy, loăng quăng sinh sống, phát triển, thì sẽ hạn chế tình trạng dịch bệnh tăng”, bác sĩ Cúc đề xuất.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.