.

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Ý thức người dân chưa cao

.

Mặc dù được tuyên truyền về nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) bắt nguồn từ việc môi trường sống tại các khu dân cư chưa được dọn dẹp sạch sẽ, xuất hiện nhiều lăng quăng sinh muỗi vằn gây bệnh, tuy nhiên qua thực tế kiểm tra tại một số tổ dân phố ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu vẫn cho thấy chỉ số lăng quăng, muỗi gây bệnh vượt mức cho phép rất nhiều.

Mô tả ảnh.
Bên cạnh dòng nước bị ô nhiễm tại con mương thuộc tổ 22 là khu vực nhà trọ cho sinh viên thuê ở.

Lốp xe đầy lăng quăng

Nhà ông Trần Đình Đáng ở tổ 41, phường Hòa Khánh Nam, trong tháng 10 có hai người con mắc bệnh SXH. Ông cho biết, khi kiểm tra nhà ông, cán bộ y tế đã phát hiện nhiều lăng quăng sinh sống trong các chai lọ để trong nhà và ngoài sân. Đây chính là nơi sinh ra muỗi đốt gây bệnh cho những thành viên trong gia đình. Ngay cạnh nhà ông Đáng là nhà chị Nguyễn Thị Luyến cũng có người vừa mắc bệnh SXH. Chị Luyến cho biết, cách đây gần 10 ngày, cháu Phạm Công Thái, con chị bị sốt ly bì. Kiểm tra thì thấy nhiều vết cắn của muỗi gây đỏ tấy. Con chị Luyến được đưa đến bệnh viện điều trị.

Trong các chai lọ, vật dụng đọng nước mưa của một số nhà dân tại tổ 2, phường Hòa Khánh Nam có nhiều bọ gậy sinh sống. Ngay bên cạnh đó là những khoảng đất trống cỏ cây mọc um tùm. Nhiều khu đất trống nằm ngay bên cạnh đường Hoàng Văn Thái có nhiều lốp ô-tô qua sử dụng, vứt ngổn ngang. Lật những lốp xe này, cán bộ y tế phát hiện rất nhiều lăng quăng mới sinh sau đợt mưa cách đây vài ngày. Ông Nguyễn Lễ, một người dân sống ở tổ 2 cho biết, khu vực này đang giải tỏa cho nên người dân chưa chú trọng công tác vệ sinh môi trường. Hầu như rác thải, trong đó có nhiều chai lọ, vỏ bịch sữa, cơm hộp không được thu dọn mà vứt bừa bãi thành đống. Đi sâu vào nhà dân, chúng tôi phát hiện 3 hồ nước được xây dựng, hỏi ra là xây để chứa nước rửa bao bì. Tuy nhiên, do bị bỏ hoang, nước không được thay rửa nên đổi thành màu đen và có rất nhiều lăng quăng sinh sống.

Trở lại tổ 22, phường Hòa Khánh Nam - nơi mà những năm trước đây đã xuất hiện nhiều ổ dịch SXH và ghi nhận một trường hợp tử vong là sinh viên do bệnh này gây ra. Ngay tại kiệt 2 của tổ có một mương nước dài khoảng 50 mét, nhưng một đầu nước bị ứ đọng do không có ống thông. Dưới lòng mương là dòng nước đen sì, đặc quánh do người dân vứt đủ thứ rác lên trên mặt nước. Ngay bên cạnh con mương là khu nhà trọ được người dân xây cho sinh viên thuê. Nguyễn Anh Nhân, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc cho biết, hễ có mưa to trong vài ngày là nước ứ đọng từ con mương này tràn vào khu nhà trọ, rất dễ xuất hiện muỗi gây bệnh do ẩm thấp.

Hơn 810 ổ dịch lớn nhỏ

Những điểm nóng SXH tuần thứ 40 tập trung ở các địa phương như: Quận Hải Châu, gồm các phường Thuận Phước, Thanh Bình, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc đều có 18 ca mắc; quận Sơn Trà có các phường Thọ Quang 21 ca, Phước Mỹ 10 ca, An Hải Đông 8 ca; quận Ngũ Hành Sơn, các phường Hòa Hải 10 ca, Khuê Mỹ 8 ca; quận Liên Chiểu, phường Hòa Khánh Bắc 7 ca, Hòa Minh 6 ca...(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng)
Theo Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã xử lý hơn 810 ổ dịch lớn nhỏ trên địa bàn thành phố. Riêng trong hai tháng 9 và 10 đã xử lý nhiều ổ dịch mới phát sinh. Tuy vậy, điều đáng lo là sau khi phun thuốc, nhiều khu dân cư vẫn xuất hiện bệnh nhân mắc mới. Chẳng hạn như ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, rất nhiều ổ dịch đã được cán bộ y tế đến giám sát, kiểm tra và có chỉ định phun thuốc nhưng số ca mắc sau đó tăng mạnh. Trên thực tế, các đợt kiểm tra tại một số nơi đã được xử lý môi trường cho thấy hơn 30% nhà dân có lăng quăng gây bệnh. Chỉ số muỗi truyền bệnh cũng khá cao.

Theo số liệu do Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, tại tổ 2 phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), trong số 9 hộ được kiểm tra thì có 3 hộ gia đình có vật dụng chứa rất nhiều bọ gậy. Tổ 7 phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có 3/12 nhà kiểm tra có dụng cụ phế thải chứa bọ gậy, những hộ khác có nhiều vật dụng chứa nước mưa quanh nhà. Tại tổ 30, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) kiểm tra 20 hộ thì đã có 30% gia đình trong số đó để các dụng cụ quanh nhà có chứa bọ gậy, chỉ số nhà có muỗi khoảng 25%, vượt xa chỉ số báo động dịch SXH.

Thạc sĩ Thạnh nhấn mạnh: “Đỉnh dịch SXH năm nay có thể rơi vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2010. Do vậy, Trung tâm Y tế dự phòng tiếp tục huy động cán bộ dịch tễ đứng tuyến giám sát những địa phương có nhiều diễn biến nóng. Đồng thời yêu cầu người dân chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy khu vực quanh nhà, nhằm giảm nhanh số người mắc bệnh”.         

Bài và ảnh: Việt Dũng

;
.
.
.
.
.