.

Mẹ ơi, đừng ép con ăn!

.

Chiều nào đoạn đầu con hẻm đường Thanh Thủy (quận Hải Châu) cũng vang lên tiếng khóc của bé Mi Na (4 tuổi), xen lẫn dọa dẫm của mẹ - chị Lê Thị Thủy (36 tuổi, cán bộ ngân hàng).

Nhiều trẻ do ép ăn dẫn đến suy dinh dưỡng phải đi bệnh viện. TRONG ẢNH: Khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Nhiều trẻ do ép ăn dẫn đến suy dinh dưỡng phải đi bệnh viện. TRONG ẢNH: Khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Đua với hàng xóm

Chị Thủy cho biết: “Không ép không được, con bé này lười ăn lắm. Chị mà không ép thì nó suy dinh dưỡng”. Nhìn bé Mi Na múp míp đang khóc lóc không chịu ăn mà chị Thủy bảo là “suy dinh dưỡng” mới thấy thật đáng thương. Ăn được nửa bát cơm khá lớn, bé Na lắc đầu nguây nguẩy mặc cho mẹ dọa dẫm đủ kiểu, cuối cùng bé ráng nuốt thêm vài muỗng rồi ọe ra. “Vậy là công toi”, chị Thủy thở dài và lấy tô cơm khác, bắt đầu lại “công cuộc” ép bé ăn.

Trò chuyện một hồi, chị Thủy thổ lộ: “Đến trường thấy con người ta đứa nào cũng to lớn, mập mạp. Về nhà thấy con hàng xóm lên cân vù vù thì không sốt ruột sao được!”. Chị Thủy còn kể, chị hàng xóm của chị chăm con kỹ như thế nào, mỗi bữa bắt ăn ra sao rất chi tiết…

Trong khi đó, chị Nguyễn Mai Phương (ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) lại ép con ăn kiểu khác. “Mình rất chú trọng tìm kiếm loại sữa thích hợp cho thằng bé uống để nó tăng cân, tăng chiều cao, bất kể tốn bao nhiêu tiền cũng không tiếc”, chị Phương nói. Nhà sẵn có cái cân sức khỏe, vậy là cứ dăm bữa nửa tháng chị lại đặt cu Bi lên bàn cân “để xem tháng này tăng bao nhiêu ký, có bằng con bé nhà bên cùng tuổi không”.

Vì dồn ép quá nhiều loại sữa ngoại, nội... nên cu Bi mới gần 3 tuổi nặng 25kg. Do mập mạp nên Bi di chuyển rất chậm chạp và cực kỳ ghét uống sữa, dù mỗi ngày mẹ vẫn nhồi nhét bằng được cho bé. “Hôm trước bé bị ốm, mình đưa đến bác sĩ khám thì bác sĩ nói phải kiểm soát cân nặng chứ không dễ bị béo phì sinh ra nhiều bệnh khác. Mình lo quá”, chị Phương cho biết.

Để trẻ phát triển tự nhiên

Bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố, cho rằng ép con ăn, uống sữa là không tốt đối với trẻ. Điều đó khiến tâm lý của trẻ bị tổn thương, dẫn đến sợ ăn, kém tự tin, không còn vui vẻ, hồn nhiên, thậm chí trở nên hoảng loạn, trầm cảm. Có nhiều trẻ vì ép ăn quá nhiều dẫn đến biếng ăn, hoặc ăn vô độ, gây béo phì. “Ép trẻ ăn quá nhiều càng làm trẻ chậm tiêu hóa, từ đó dinh dưỡng trong thức ăn không hấp thu được; trẻ vừa còi cọc, vừa biếng ăn. Mỗi trẻ có một thể trạng riêng. Vì vậy, nhiều bé cùng tuổi chênh nhau vài cân là chuyện bình thường. Chỉ cần bé vẫn chơi vui, không đau ốm thì dù cân nặng ít một tí vẫn là phát triển bình thường”, bác sĩ Tân nhận định.

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo: bữa này trẻ bỏ ăn thì bữa sau đói trẻ sẽ ăn bù bởi nguyên tắc là càng ép ăn thì càng sợ ăn, chán ăn. Sau thời gian ép bé ăn bằng dọa “ông kẹ”, thậm chí đánh đòn bằng roi, bé Na đâm ra “sợ” mẹ. Chị Thủy buồn rầu thổ lộ: “Bé dạo này tự dưng xa cách mình, bé không nghe lời mẹ nữa”.

Không chỉ sứt mẻ tình cảm giữa mẹ và bé mà nhiều gia đình còn sinh ra cãi vã gay gắt cũng chỉ vì chuyện... cho bé ăn. Gia đình chị Phan Thu Trang (ở quận Hải Châu) cũng là một trường hợp như thế. Chị muốn cho bé ăn nhiều trứng và cá, bà nội muốn bé ăn nhiều thịt mới bổ dưỡng. Chẳng ai chịu ai nên dẫn đến xích mích. Bà giận dỗi, đòi về quê. Cuối cùng chị Trang đành nhượng bộ.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.