.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm

.

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian vừa qua làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong thời điểm mùa hè, nắng nóng…

Kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một nhà hàng trên đường Trần Phú.
Kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một nhà hàng trên đường Trần Phú.

Cả nhà nhập viện

Đến giờ, chị Lê Thị Lắm (ở quận Ngũ Hành Sơn) vẫn chưa hết lo lắng và mệt mỏi sau “sự cố” đau bụng do ăn bánh mì ở cơ sở Thanh Thu (đường Lê Văn Hiến). “Lâu nay nhà tôi ít ăn bánh mì lắm, tự dưng tối đó mua bánh mì về cả 3 mẹ con ăn. Ăn rồi chưa xem xong nửa tập phim thì tôi lên cơn đau bụng quặn thắt, tụi nhỏ nôn mửa dữ dội, nhờ người chạy ra quầy mua thuốc uống nhưng mãi vẫn không cầm. Hai đứa nhỏ lả dần đi, tôi sợ quá nên gọi xe cấp cứu…”, chị Lắm nhớ lại. Hai đứa con của chị Lắm bị nặng nên phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Riêng chị giờ đã đỡ nhưng vẫn thấy choáng váng và còn tiêu chảy, sốt nhẹ.
Đồng cảnh với chị Lắm, chị Lê Thị Thu Nguyệt cùng chồng và con trai 31 tháng tuổi cũng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc do ăn bánh mì tại cơ sở Thanh Thu. “Sợ quá rồi! Vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe. Giờ cứ đi ăn ngoài là thấy lo lo…”, chị Nguyệt thổ lộ.

Đây chỉ là 2 trong 27 bệnh nhân điều trị ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì tại cơ sở Thanh Thu vừa qua. “Hầu hết họ đều bị các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như nôn mửa, đau bụng dữ dội, đi ngoài lỏng, sốt cao...”, bác sĩ  Phạm Văn Tài - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, cho biết.

Đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lần thứ 3 liên tiếp do ăn bánh mì nhiễm khuẩn xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng bị phát hiện. Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đà Nẵng cung cấp kết quả xét nghiệm nguyên nhân gây ngộ độc cho 27 người, trong đó có 5 trẻ em, tại khu vực chợ Mai (đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) do ăn bánh mì. Trong đó, 7/9 mẫu đạt tiêu chuẩn, 2 mẫu nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) vượt mức cho phép là sốt trứng gà (vượt 10 lần) và chả bò (vượt 6 lần)…

Khoảng cuối năm 2012, nhiều người dân ở phường Hòa Cường Nam và phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) sau khi ăn bánh mì kẹp thịt, chả… của tiệm bánh mì Đồng Tiến ở đường Phan Đăng Lưu cũng bị nôn mửa, đau đầu, phải nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu thịt nướng đạt tiêu chuẩn an toàn cho phép, 4 mẫu còn lại vượt các chỉ tiêu hàm lượng Coliforms và Ecoli từ 2-15 lần…

Mức phạt quá nhẹ?

Những cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như trên đều đã bị xử phạt. Tuy nhiên, mức phạt dành cho những cơ sở vi phạm chỉ khoảng từ 100.000 - 15 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: “Qua nhiều đợt kiểm tra, những vi phạm như: người làm bếp không mặc đồ bảo hộ, thực phẩm không có kiểm dịch của thú y... vẫn lặp đi lặp lại. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thanh tra về lĩnh vực này còn thiếu. Mặt khác, cán bộ thanh tra không thể có mặt 24/24 giờ tại cơ sở kinh doanh để giám sát”. Cũng theo ông Tiến, đặc biệt với thức ăn đường phố, việc lưu mẫu ít khi được thực hiện nên khi có sự cố xảy ra, căn cứ để kiểm tra xử phạt cũng gặp nhiều khó khăn. Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành phố miền Trung đang trong đợt cao điểm nắng nóng. Hàng loạt các quán ăn, uống mọc lên như nấm. Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng khám - Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, các loại thực phẩm nếu không được bảo quản tốt có thể bị ôi thiu, những vi khuẩn có hại rất dễ phát triển. Khi bị ngộ độc thực phẩm, nếu không cứu chữa kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong. Vì vậy, nên cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thực phẩm và thức ăn đường phố. Nếu có những biểu hiện như: nôn mửa, đi ngoài lỏng, đau bụng dữ dội dẫn đến kiệt sức... thì người dân không nên tự ý mua thuốc uống mà phải đến trung tâm y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố, chỉ trong quý 1 năm nay, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra trên 2.000/7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Trong đó có trên 300 cơ sở vi phạm với các nội dung chủ yếu vẫn là về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người… chưa bảo đảm; vi phạm về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, vi phạm về ghi nhãn thực phẩm… Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ trong ngành y tế, đây cũng chỉ là con số bề nổi.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.