.

Kinh hoàng thịt lợn tiêm thuốc an thần

.

Theo dư luận, có rất nhiều lò giết mổ “chính quy” cũng lén lút sử dụng “công nghệ” này. Lợn tiêm thuốc an thần để lâu miếng thịt vẫn tươi, bắt mắt, dễ bán hơn so với thịt thường. Tuy nhiên, ẩn chứa đằng sau nó là hiểm họa đối với người tiêu dùng.

Lợn tiêm thuốc an thần để lâu miếng thịt vẫn tươi, bắt mắt (Ảnh minh họa: kinhtenongthon)
Lợn tiêm thuốc an thần để lâu miếng thịt vẫn tươi, bắt mắt (Ảnh minh họa: kinhtenongthon)

Theo tìm hiểu, việc tiêm thuốc an thần Prozil cho lợn không chỉ xảy ra ở Cà Mau, mà còn xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở khu vực phía Bắc, rất nhiều lò mổ lợn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình cũng nằm trong diện nghi vấn sử dụng loại thuốc an thần Prozil. Chỉ riêng khu vực huyện Thanh Trì, mỗi ngày nơi đây giết mổ khoảng 2.000 con lợn, đáp ứng hơn nửa nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Thịt lợn được các lái buôn, chủ lò phân phối đến các sạp thịt tại các chợ thuộc khu vực Thường Tín, Hoàng Mai, Cầu Giấy…

Mỗi lọ thuốc an thần Prozil được bán với giá 15.000 đồng (lọ 20ml); mỗi con lợn trước khi xuất chuồng thường được các chủ lò mổ tiêm khoảng 2ml thuốc. Các chuyên gia y tế cho biết, việc lạm dụng, sử dụng bừa bãi thuốc an thần rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu dư lượng thuốc chưa được lợn đào thải hết, ăn phải loại thịt lợn này, dư lượng thuốc sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây rối loạn tiêu hóa; nếu người liên tục ăn phải thịt lợn có thuốc an thần sẽ gây các bệnh về thận, thần kinh... Thế nhưng, vì lợi nhuận mà không ít chủ lò mổ đã bất chấp tất cả, coi thường tính mạng người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, thực phẩm không an toàn đã trở thành nỗi lo của nhiều gia đình và các bếp ăn tập thể. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 5 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.110 người mắc, 1.007 người nhập viện và 15 trường hợp tử vong (riêng tháng 5 có 11 ca tử vong). Vậy trong số những nạn nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm nói trên, những ai đã ăn phải thịt tiêm thuốc an thần?

Thời điểm này đang là “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”. Các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là trong giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, tình hình vẫn không có chuyển biến đáng kể. Liên tiếp các vụ vận chuyển gia cầm nhập lậu được phát hiện, nhiều lò mổ gia súc, gia cầm lậu vẫn lén lút hoạt động, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn diễn ra... Điều đó đã đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương đối với lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm?

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, rất cần có khung xử phạt nặng hơn với những kẻ cố tình vi phạm, thì may ra người dân mới bớt được những mầm họa từ thịt lợn bẩn. Còn với người tiêu dùng, hơn lúc nào cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể nhận biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn trước khi sử dụng.

Tintuc

;
.
.
.
.
.