Lâu nay có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm không được cập nhập kịp thời, đến khi xuống kiểm tra lấy mẫu gặp nhiều khó khăn vì không còn lưu mẫu. Đường dây “nóng” về vệ sinh thực phẩm đã thành “nguội”.
Chiều 5-6, Sở Y tế Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức họp khẩn riêng về việc quản lý và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo tại hội nghị, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra liên tục 4 vụ ngộ độc làm 92 người nhập viện (tăng gấp đôi về số vụ so với cả năm 2012) và nguy cơ ngộ độc vẫn luôn tiềm tàng.
Hàng chục người của đoàn Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) đi công tác thực tế tại Đà Nẵng nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa tại nhà hàng Cội Nguồn hồi đầu tháng 5 vừa qua. Ảnh: H.K |
Nhiều vụ không lấy được mẫu xét nghiệm
Công tác quản lý và phòng chống ngộ độc thực phẩm hiện nay tại Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, như đánh giá của bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng: “Lâu nay có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm mà chúng ta không cập nhập kịp thời, để đến khi xuống kiểm tra lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, vì sau mấy ngày người ta không còn lưu mẫu. Như vậy, đường dây “nóng” của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã “nguội” ngắt rồi còn gì... Nếu cứ đợi văn bản thì biết đến bao giờ? Các cơ sở tuyến dưới chỉ cần alô một tiếng báo về chi cục khi có thông tin bệnh nhân bị ngộ độc”.
Việc chậm trễ đó không chỉ xảy ra ở các đội y tế dự phòng tuyến dưới, mà ngay cả các bệnh viện khám chữa bệnh khi có bệnh nhân nhập viện nghi ngộ độc cũng lơ là, dù trước đây Sở Y tế đã có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn thành phố về vấn đề này. Nguyên nhân được cho là do công tác phối hợp giữa các bên chưa tốt. Trong các vụ ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay, có nhiều vụ mà bệnh nhân nhập viện rồi nhưng mãi đến vài ngày sau chi cục mới nhận được thông tin và đến lấy mẫu như vụ ngộ độc bánh mì ở cơ sở bà Thái (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), vụ ngộ độc bánh mì ở cơ sở Thanh Thu (quận Ngũ Hành Sơn)… Vì lý do đó, tại nhà hàng Cội Nguồn, cơ sở Thanh Thu và Làng Hy Vọng, đoàn kiểm tra đều không lấy được mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Việc thực hiện quản lý ngộ độc thực phẩm tại tuyến cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn. “Nhiều nơi, việc phối hợp thực hiện rất khó, bởi lãnh đạo địa phương chưa quan tâm vấn đề này, cứ cho rằng đây là trách nhiệm của ngành y tế”, ông Lê Văn Thêm, Phó phòng Y tế quận Thanh Khê cho biết. Ông Thêm kể, có nơi, khi huy động cán bộ chuyên trách các phường đi cùng để kiểm tra về ATVSTP thì mỗi lần như thế lại thấy một người khác nhau. Như vậy, việc thay đổi liên tục, kiêm nhiệm quá nhiều khiến công tác quản lý ở cơ sở còn nhiều hạn chế.
Theo thông tin từ hội nghị, trong 5 tháng đầu năm, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại hơn 3.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống, trong đó có hơn 1.200 cơ sở đạt yêu cầu và hơn 400 cơ sở vi phạm, bị phạt tiền khoảng hơn 100 triệu đồng. Ông Trần Minh Hồi, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu cho rằng, mức phạt tiền như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nếu cơ sở nào vi phạm và không khắc phục thì nên rút giấy phép kinh doanh.
Thức ăn đường phố chứa nguy cơ cao
Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, thức ăn đường phố chứa nguy cơ ngộ độc cao nhất. Trong 4 vụ ngộ độc tính từ đầu năm đến nay, có đến 3 vụ do thức ăn đường phố như: vụ ngộ độc do bánh mì tại cơ sở Thanh Thu và bà Thái, ngộ độc do ăn xôi gà (ở quận Thanh Khê). “Thời tiết nắng nóng bất thường của năm nay khiến thức ăn đường phố vốn không được bảo quản tốt, để trong hơn 2 giờ mà không nấu lại trước khi phục vụ người ăn nên dễ bị ôi thiu, gây nên các vụ ngộ độc. Các loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như: sốt trứng gà, cơm chiên, patê, chả bò… Hơn nữa, các cơ sở bánh mì không có sự che đậy kín thực phẩm khiến ruồi và bụi bẩn dễ xâm nhập gây ô nhiễm. Việc bảo quản thực phẩm sống và chín lẫn lộn, gây ô nhiễm thực phẩm cũng là một nguyên nhân”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP nói.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, hiện đã có 95% các bếp ăn tập thể cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sắp đến sẽ thực hiện đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Việc quản lý các cơ sở thức ăn đường phố còn gặp thêm khó khăn do các cơ sở này luôn thay đổi địa điểm, bán theo thời vụ… nên khó cho việc kiểm tra giám sát. Theo nhiều đại biểu, ý thức chấp hành công tác bảo đảm vệ sinh của các đối tượng này cũng chưa cao, chưa chấp hành triệt để các quy định. Theo ông Tiến, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh hơn là xử phạt, bởi lực lượng chuyên trách mỏng, không thể nào ứng trực liên tục tại mỗi cơ sở để quản lý.
PHƯƠNG TRÀ