Có một nguyên tắc “vàng” là trong vòng 30 phút sau khi tiêm vaccine, trẻ phải ở lại điểm tiêm chủng, cụ thể là trạm y tế xã, phường để theo dõi phản ứng của thuốc. Tuy nhiên, phần lớn người đưa trẻ đến trạm không thể kiên nhẫn thực hiện giai đoạn này vì nhiều lý do.
Trong đó, có một nguyên nhân được nhiều phụ huynh phản ánh là mỗi buổi tiêm thường xảy ra tình trạng đông đúc, chen chúc đến từng… chỗ đứng, nên khi tiêm xong, ai cũng muốn được bồng con về thật sớm.
Trẻ được ở lại theo dõi sau tiêm vaccine tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. (Ảnh chụp sáng 29-7) |
“Lao đến nộp sổ, tiêm xong là về”
Một bà mẹ 28 tuổi chia sẻ, có con đầu lòng nên chị không rành chuyện mỗi lần đưa con đến trạm y tế phường tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì cần phải ở lại đó 30 phút sau tiêm để theo dõi các phản ứng của thuốc đối với cơ thể bé. Theo lời chị, trẻ tại địa phương được tập trung vào sáng 25 mỗi tháng để chủng ngừa, nên có bao nhiêu trẻ nhỏ trong độ tuổi cần tiêm thì phụ huynh trên địa bàn đều ôm con đến trong buổi ấy.
Sợ phải chờ lâu nên hễ đến thì mọi người lao tới nộp sổ, chờ tiêm, tiêm xong rồi… lách nhanh ra ngoài cho mát. Đã vậy, có quá đông trẻ tiêm nên cán bộ y tế cũng không thể nhắc nhở hết tất cả mọi người về nguyên tắc ngồi đợi sau tiêm. Bản thân chị mỗi lần cho con tiêm xong cũng nán lại, nhưng chưa bao giờ kiên nhẫn quá 15 phút.
Tình trạng đông đúc tại điểm TCMR không chỉ diễn ra một vài nơi mà là “chuyện bình thường” ở hầu khắp các trạm y tế trên địa bàn thành phố. Mỗi sáng 25, 26, cha mẹ phải tranh thủ đưa con đi thật sớm để tránh mỏi mòn chờ đến trưa; đồng thời để không phải gặp hoàn cảnh bồng con về… tay không, bởi đa phần vaccine TCMR hiện nay thuộc dạng đa liều, tức mỗi lọ được tiêm cho 10-20 trẻ (tương ứng 10-20 liều). Nếu chỉ còn một, hai trẻ cuối cùng mà phải khui một lọ vaccine thì gây lãng phí nên cán bộ y tế sẽ nghiêng về giải pháp hẹn trẻ đến vào tháng sau.
Giãn ngày tiêm để tránh quá tải
Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, hằng tháng đối tượng thuộc chương trình TCMR gồm trẻ em và phụ nữ mang thai có thể đến trạm y tế xã, phường để chủng ngừa vào 3 ngày (gồm sáng lẫn chiều) là 25, 26 và 27. Tuy nhiên, hầu hết việc tiêm chủng các đối tượng nói trên tập trung vào buổi sáng của 2 ngày trong tháng. Ngày còn lại, số lượng trẻ và phụ nữ đến tiêm ít, rải rác dẫn đến có thể xuất hiện tình trạng quá tải trong ngày tiêm chủng trước.
Bác sĩ Trần Bảo Ngọc cho biết, sau khi chủng ngừa vaccine, tất cả đối tượng tiêm chủng cần ngồi lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các phản ứng sớm và nặng, như sốc phản vệ. Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng của cơ thể đối với một kháng nguyên lạ, có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiêm, gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, một số trường hợp sốc phản vệ có thể xảy ra sau 30 phút hoặc lâu hơn kể từ khi tiêm chủng. Vì vậy, đối tượng tiêm chủng cần tiếp tục được theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm. Bố mẹ lưu ý khi theo dõi trẻ tại nhà, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu thấy trẻ xuất hiện một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau: sốt cao, khó thở, co giật, tím tái, khóc thét, quấy khóc kéo dài... để được xử trí kịp thời. |
Bác sĩ Trần Bảo Ngọc, Thư ký Chương trình TCMR thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã đưa ra quy định thời gian thực hiện TCMR trong 3 ngày/tháng để hạn chế tình trạng quá tải, nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, một số trạm y tế chưa thực hiện nghiêm túc quy định này. Việc phổ biến thời gian tiêm cũng chưa rộng rãi, thế nên những buổi chiều của ngày tiêm chủng thường ít đối tượng đến chủng ngừa hơn. Nhân lực tại trạm y tế còn mỏng trong khi số lượng công việc phải kiêm nhiệm rất nhiều, thực hiện nhiều chương trình mục tiêu và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, lâu nay để tránh tỷ lệ hao phí vaccine lớn nên trẻ cần được tập trung tiêm vaccine trong một số ngày nhất định (đa số các vaccine tiêm trong chương trình TCMR là vaccine đa liều), đồng thời phải kể đến thói quen của người dân thường tập trung tiêm vào buổi sáng và ngày đầu tiên dẫn đến quá tải.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo về việc bảo đảm thực hiện đúng ngày tiêm chủng theo quy định (tức là 3 ngày/tháng), tăng cường giám sát hoạt động TCMR tại các xã, phường trong các ngày nói trên, đề nghị địa phương linh hoạt thực hiện một số giải pháp: tập trung nhân lực trong các ngày TCMR, tuyên truyền thông tin rộng rãi đến người dân, có thể chia đối tượng tiêm chủng: trẻ em và phụ nữ mang thai vào các ngày khác nhau..
Mặc dù cố gắng để bảo đảm tỷ lệ hao phí vaccine không vượt mức cho phép, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt: trẻ gần quá tuổi quy định để tiêm vaccine, trẻ đã hoãn tiêm nhiều lần trước đó…, có thể linh động sử dụng lọ vaccine mới để tiêm cho trẻ, chấp nhận hao phí để phụ huynh yên tâm, bảo đảm trẻ được tiêm đủ mũi và đúng lịch.
Những giải pháp trên góp phần giúp cha mẹ thấy thoải mái hơn khi đưa con đi tiêm chủng và ngồi đợi 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Bác sĩ Ngọc nói rằng, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và xử trí sớm các trường hợp sốc phản vệ.
Chấn chỉnh hoạt động tiêm chủng trên toàn quốc Để chấn chỉnh và tăng cường an toàn tiêm chủng, đảm bảo quyền lợi cho người dân được phòng bệnh chủ động theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã có Văn bản hỏa tốc số 4619/BYT-DP gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về sử dụng vắc-xin. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn, bảo đảm an toàn theo đúng các quy định; đặc biệt lưu ý tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng. Mỗi buổi tiêm chủng thường xuyên tối đa không quá 50 trẻ; mỗi tháng có thể bố trí nhiều ngày tiêm chủng nếu lượng các cháu tiêm nhiều; mỗi buổi tiêm chủng phải bố trí cán bộ y tế có trình độ chuyên môn khám sàng lọc trước tiêm để loại trừ những trường hợp chống chỉ định. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết khác để kịp thời xử lý các phản ứng sau tiêm chủng nếu có; theo dõi trẻ sau tiêm, hướng dẫn người nhà của trẻ cách theo dõi tại nhà và mang trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường sau tiêm. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiến hành thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng; đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị nếu có sai phạm.Trường hợp xảy ra tai biến thì khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý, tìm nguyên nhân và công bố công khai nguyên nhân gây tai biến; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm, những người liên quan và xử lý theo quy định; tăng cường đầu tư trang thiết bị cho công tác tiêm chủng; đặc biệt là dây chuyền lạnh và các trang thiết bị khác trong công tác tiêm chủng. Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ tham dự tập huấn về an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế cả trong và ngoài tiêm chủng mở rộng; các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục về các lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh và những rủi ro có thể gặp phải để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng mở rộng. TTXVN |
Bài và ảnh: THU HOA