.

Quản lý chặt rác thải y tế

.

Đến Bệnh viện Đà Nẵng vào một buổi chiều khi những công nhân đã hoàn tất công việc thu gom rác, chờ xe của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng đến vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn và lò đốt rác thải nguy hại.

Chị Hà, một công nhân được Bệnh viện Đà Nẵng thuê thu gom rác tại bệnh viện, cho biết: “Rác thải tại bệnh viện rất nhiều nên buổi sáng chúng tôi thường có mặt lúc 5 giờ và buổi trưa lúc 12 giờ để thu gom rác. Vì bệnh viện có rất nhiều người qua lại nên chúng tôi chọn giờ đó làm việc để ít gây trở ngại cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”. Cứ như vậy, một ngày hai lần, công tác thu gom rác tại Bệnh viện Đà Nẵng được thực hiện và quản lý chặt chẽ từ khâu phân rác tại nguồn đến khâu vận chuyển ra nhà chứa rác và lên bãi rác Khánh Sơn cũng như lò đốt rác nguy hại.

Rác thải y tế nguy hại được đốt tại lò đốt rác thải nguy hại của thành phố.
Rác thải y tế nguy hại được đốt tại lò đốt rác thải nguy hại của thành phố.

Theo quan sát của chúng tôi, quy trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải được bệnh viện kiểm tra rất chặt chẽ. Bệnh viện Đà Nẵng còn thuê hẳn công nhân của các công ty vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom rác tại các phòng, khoa về nhà rác. Bác sĩ Lê Thị Hồng Chung, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: “Hồi trước, thu gom rác thải y tế đi theo con đường riêng để ra nhà rác nhưng nay bệnh viện đang xây dựng dở dang một vài hạng mục nên rác sẽ được vận chuyển vào các giờ ít có khách và bệnh nhân. Thùng rác khi vận chuyển phải đóng kín nắp, không được thủng và không phát sinh mùi hôi”.

Từ năm 2009, thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng hai lò đốt chất thải nguy hại đặt tại bãi rác Khánh Sơn với công suất mỗi lò 200kg/giờ phục vụ việc xử lý chất thải nguy hại y tế và chất thải công nghiệp. Từ đó đến nay, công  tác quản  lý chất thải đã cải thiện hơn trước, tạo được cảnh quan chung cho thành phố.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, một ngày, công ty thu gom khoảng 8 tấn rác thải y tế thông thường và gần 600kg rác thải y tế nguy hại. “Hiện, đối với rác thải y tế nguy hại, do lượng rác chưa lớn lắm nên công ty thu gom hai ngày một lần. Sau khi thu gom về được đốt thành tro và đóng rắn lưu giữ tại các hộc rác nguy hại. Với nhiệt độ đốt khoảng 1.1000C thì các chất thải nguy hại sau khi ra môi trường đã bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, để bảo đảm vệ sinh môi trường, trong tương lai khi lượng rác này nhiều hơn sẽ cho thu gom và đốt hằng ngày”, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết.

Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng với lượng cơ sở y tế khá lớn lại tập trung xa lò đốt rác thải nguy hại và bãi rác Khánh Sơn nên công tác vận chuyển đòi hỏi phải chặt chẽ hơn nữa. Tại một số bệnh viện, cơ sở y tế, đường dẫn vào nhà chứa rác vẫn còn nhếch nhác, nhà chứa rác lại không được vệ sinh thường xuyên nên còn có mùi chua nồng và côn trùng vẫn xâm nhập vào. Hơn nữa, công tác vận chuyển lên, xuống xe không thể tránh khỏi sự rơi vãi rác thải và nước thải. Không những thế, việc các chất thải sau giải phẫu vẫn chưa được quản lý chặt. Các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý rác thải y tế trên địa bàn.

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.