.

Điều trị viêm gan siêu vi C mạn tính

.

Bệnh viêm gan siêu vi C mạn (VGSVCM) là vấn đề y tế toàn cầu cần được phát hiện và điều trị để ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan và tử vong.

 

Toàn thế giới hiện có khoảng 170 triệu người (3% dân số) nhiễm siêu vi gan C (HCV). Tần suất thay đổi từ <1% đến >2,9 % theo từng khu vực. Hơn 50% người nhiễm HCV sống trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, gần 1% người nhiễm HCV.

Nguyên nhân: Do siêu vi gan C (HCV) được chứng minh năm 1989.

Dựa vào cấu trúc gene của HCV, người ta phân 6 kiểu gene chính, xếp từ 1-6 và 11 kiểu gene phụ, xếp theo a, b, c.., có độc lực khác nhau. Tại Việt Nam, HCV có 3 kiểu gene: 1, 3 và 6.

Đường lây: HCV qua đường máu chủ yếu thông qua các dụng cụ vấy máu nhiễm  HCV. Lây qua đường tình dục (hiếm). Đường lây từ mẹ sang con rất ít (gần 5%).

Diễn tiến tự nhiên của nhiễm  HCV: Sau khi nhiễm HCV cấp, 6 tháng sau khoảng 55 - 85% trường hợp chuyển sang nhiễm mạn tính. Theo thời gian, 5 - 25% trường hợp biến chứng xơ gan và hằng năm có từ 1 - 3% trường hợp chuyển sang ung thư gan hoặc bệnh gan mất bù, đặc biệt những bệnh nhân nghiện rượu, bia, đồng nhiễm siêu vi gan B, HIV thì biến chứng nhanh hơn và tỷ lệ nhiều hơn.

Triệu chứng:

Phần lớn (80%) bệnh thầm lặng, bệnh nhân không thấy biểu hiện gì, chỉ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc hiến máu mới phát hiện bệnh. Một số ít bệnh nhân (20%) có triệu chứng mệt mỏi như: cảm cúm, chán ăn, ăn không tiêu, tức hạ sườn (P).

Điều trị:

Mục tiêu điều trị: Diệt HCV, ngăn ngừa xơ gan, ung thư gan, suy gan và tử vong.

Yếu tố được xem khỏi bệnh: SVR (Sustained virological response: đáp ứng bền vững), đó là sau khi ngừng điều trị, theo dõi từ 6 tháng - 5 năm, qua xét nghiệm máu không tìm thấy HCV thì được xem khỏi bệnh.

Phác đồ điều trị chuẩn hiện nay: Hướng dẫn của Hội gan mật châu Âu 2011, Hội gan mật châu Á - Thái Bình Dương 2012 và hướng dẫn chẩn đoán - điều trị viêm gan siêu vi C mạn tính do Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam ban hành ngày 28-11-2013 kèm theo Quyết định 4817/QĐ-BYT, phác đồ chuẩn hiện nay: Peg-Interferon (Peg-IFN) alfa 2a/b kết hợp ribavirin (RBV). Thời gian điều trị dự kiến đối với genotype 1/6 là 48 tuần; đối với genotype 2/3 là 24 tuần.

Để tăng cơ hội khỏi bệnh cho bệnh nhân, các nhà điều trị gan mật đã thay đổi thời gian điều trị và bổ sung các thuốc mới vào phác đồ chuẩn.

Căn cứ vào số lượng HCVRNA điều trị vào tuần 4, 12, 24, đối với HCV genotype 1/6, có thể rút ngắn thời gian còn 24 tuần, hoặc kéo dài 72 tuần. Với genotype 2/3 có thể 16 tuần hoặc 36-48 tuần.

Các thuốc mới bổ sung vào phác đồ chuẩn: Bổ sung Boceprevir hoặc Telaprevir, vào phác đồ chuẩn peg-IFN + RBV ở BN HCV genonotype 1, được FDA công nhận vào tháng 5-2011. Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cho phép sử dụng từ tháng 9-2013, ở bệnh nhân không đáp ứng điều trị vào tuần thứ 12 hoặc tuần 24 và tái phát sau ngừng thuốc. Phác đồ này có tác dụng phụ bất lợi cho bệnh nhân như thiếu máu, giảm bạch cầu đa nhân, rối loạn vị giác, phát ban hơn phác đồ chuẩn.

Các chuyên gia gan, mật tiếp tục nghiên cứu phác đồ lý tưởng sẽ là: đơn giản; thời gian ngắn, 1 lần/ngày; số viên ít; thuốc uống có mức độ kháng thuốc thấp; có thể dùng cho tất cả HCV genotypes; an toàn và hiệu quả cao.

Các thuốc mới: Simeprevir, sofosbuvir và faldaprevir, trong đó Simeprevir được FDA công nhận điều trị VGSVC do HCV g1 vào ngày 23-11-2013 và sofosbuvir vừa được FDA công nhận ngày 6-12-2013. Thời gian điều trị ngắn hơn, hiệu quả cao hơn, ít tác dụng phụ hơn phác đồ chuẩn,

Phòng bệnh: Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan C. Chúng ta phòng bệnh bằng cách tránh tiêm chích, không nhận máu không an toàn, không dùng chung các dụng cụ tiêm chích, châm cứu, xăm mình, làm móng tay, dao cạo râu, bàn chải răng, không thu thập những vật thải nhọn, quan hệ tình dục an toàn.

Kết luận

VGSVCM dễ biến chứng xơ gan, ung thư gan, nếu phát hiện và điều trị sớm, đúng phác đồ, có khả năng chữa khỏi bệnh. Vì vậy, cần xét nghiệm tầm soát antiHCV cũng như HBsAg, nếu dương tính nên khám chuyên khoa gan để được tư vấn, điều trị, theo dõi đáp ứng, tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân để điều chỉnh liều lượng thuốc và theo dõi tái phát.

Bác sĩ NGÔ THỊ MINH HÀ

Phòng khám viêm gan - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.