Những năm gần đây, người bị đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) ngày một gia tăng với tuổi đời cũng trẻ hóa dần, từ 40-50 tuổi so với ngoài 60 tuổi như trước đây. Điều đáng nói là khi bệnh nhân có các triệu chứng của đột quỵ, người nhà vì không hiểu biết nên đã có những can thiệp sai lầm như bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, làm bệnh tình trầm trọng hơn.
Chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Bỗng nhiên bị đột quỵ
Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, có rất nhiều trường hợp bị đột quỵ chuyển đến bệnh viện được người nhà thông báo bệnh nhân đang ngồi nghỉ ngơi bình thường thì bỗng dưng có dấu hiệu mệt mỏi, mờ mắt, tim đập nhanh, như trường hợp anh L.V.T (54 tuổi, quận Thanh Khê) bị đột quỵ và nhập viện điều trị vào cuối tháng 4 vừa qua. Người nhà cho hay, sau khi ăn tối, anh ngồi xem truyền hình với gia đình thì bỗng thấy mệt mỏi, méo miệng không nói được, liệt nửa người bên phải. Anh T. nhanh chóng được đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán nguyên nhân đột quỵ nhồi máu não do mắc bệnh đa hồng cầu.
Cũng may anh T. đã nhập viện kịp thời, được các bác sĩ dùng thuốc tiêu huyết khối làm tan máu đông trong não nên sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe anh dần hồi phục, có thể đi lại và nói chuyện bình thường.
Đột quỵ não bao gồm hai thể là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ nhồi máu não chiếm tới 80% người nhập viện, nhưng đột quỵ xuất huyết não lại có tỷ lệ tử vong rất cao, chiếm 40%.
Ngày 14-6 vừa qua, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân V.C.E (54 tuổi, quận Thanh Khê) bị đột quỵ xuất huyết não. Bệnh nhân E. nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu phải thở bằng máy, huyết áp cao 240/100 mmHg. Qua tìm hiểu tiền sử bệnh lý, người nhà cho biết, anh E. đã mắc chứng cao huyết áp trong 3 năm nay nhưng không hề chữa trị. Do bệnh nhân chuyển đến viện quá muộn và đã rơi vào hôn mê sâu nên chỉ hai ngày sau đó, ngày 16-6, anh E. đã không qua khỏi.
Sống khỏe để tránh đột quỵ
Bác sĩ Dương Quang Hải, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị các trường hợp đột quỵ, nhận định ngày càng có nhiều người mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý về tim mạch (như rung nhĩ, bệnh van tim...), rối loạn chuyển hóa mỡ… Đây là những bệnh lý có nguy cơ đột quỵ cao. Bên cạnh đó, áp lực công việc, thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá... cũng gây tác động không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do đột quỵ đứng thứ hai chỉ sau bệnh tim. Bệnh nhân đột quỵ dù thoát khỏi tử vong thì vẫn để lại những di chứng nặng nề như bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và mất khả năng lao động… |
Tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc hiện có đến gần 10 ca đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não. Trong đó có nhiều trường hợp có nguy cơ khó qua khỏi vì nhập viện trễ, bệnh tình đã diễn biến xấu. Bác sĩ Hải nhấn mạnh: “Bất cứ bệnh nào cũng vậy, khoảnh khắc “vàng” trong điều trị đều cực kỳ quan trọng. Với chứng đột quỵ não, nhập viện càng sớm, khả năng cứu sống người bệnh càng cao”.
Trước nguy cơ mắc đột quỵ ngày càng gia tăng trong cộng đồng, bác sĩ Dương Quang Hải khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh tiềm ẩn, kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết của cơ thể; có lối sống lành mạnh, tập thể dục phù hợp với thể trạng cơ thể; cần giảm lượng muối ăn, mỡ trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. “Khi người thân trong gia đình có các triệu chứng của bệnh đột quỵ như méo miệng, nói khó, liệt tay, chân, hôn mê, đau đầu, nôn mửa, người nhà cần liên hệ ngay với trung tâm cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi, cần để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn ói, cần để đầu nghiêng sang một bên, lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân. Tuyệt đối tránh cạo gió, châm cứu hay bấm huyệt”, bác sĩ Dương Quang Hải nói.
Bài và ảnh: BÌNH AN