Chảo chống dính là dụng cụ thiết yếu trong nhà bếp. Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng dùng chảo đúng cách.
Chảo chống dính có nhiều công năng. |
Không cọ sát kim loại vào lòng chảo; bỏ ít dầu, bơ khi chiên rán; nấu ở nhiệt độ trung bình... là những lưu ý giúp tăng tuổi thọ của chảo chống dính và bảo vệ sức khỏe.
Chảo chống dính là dụng cụ thiết yếu trong nhà bếp nhờ khả năng chịu nhiệt cao, ngăn thức ăn dính sát vào chảo, tiết kiệm dầu ăn và hạn chế tình trạng thức ăn ngấm dầu… Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng dùng chảo đúng cách.
Không cọ sát kim loại vào lòng chảo
Theo chuyên gia đồ gia dụng của trang about.com - Bà Mariette Mifflin, không nên sử dụng các vật liệu gây mòn như dao, dĩa, kẹp, muỗng kim loại để đảo thức ăn. Tuyệt đối không sử dụng dao cắt bánh mì, trứng rán trực tiếp trên chảo. Nên nấu bằng đũa gỗ, tre và rửa bằng miếng bọt biển hoặc khăn mềm.
Chuyên gia kỹ thuật Act Au của hãng chất chống dính Teflon cũng cho hay, kim loại là kẻ thù của lớp chống dính. Ngay cả khi chảo của bạn làm bằng nhôm nguyên chất, có độ dày tiêu chuẩn 2.2 - 3.2mm, phủ 2 hoặc 3 lớp chống dính cao cấp của Teflon thì kim loại vẫn có thể làm xước bề mặt chảo.
Chỉ cần bỏ một lượng dầu mỡ nhỏ vào chảo. |
Bỏ ít dầu, bơ khi chiên, rán
Một lượng dầu ăn, bơ để chiên rán là cần thiết để tạo hương vị cho món ăn. Bạn thậm chí có thể rán thịt, trứng, nướng bánh mì trên chảo chống dính mà không cần tới môi chất trên, nếu dùng chảo có khả năng chống dính cao.
Lưu ý này còn giúp chị em hạn chế lượng chất béo dung nạp vào cơ thể. Dầu, bơ khi chiên ở nhiệt độ cao dễ chuyển hóa thành các axit có hại cho sức khỏe, gây các bệnh về tim mạch.
Nấu ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình
Trên thị trường có khá nhiều loại chảo chống dính bằng sơn tĩnh điện, men sứ, ceramic cách nhiệt, hợp kim allumium... Tùy vào chất lượng lớp chống dính mà các loại chảo có thể chịu được mức nhiệt độ khác nhau. Ở nhiệt độ cao, chất chống dính bắt đầu bị phân hủy và giải phóng các phân tử độc hại gây ung thư. Vì vậy, nên chú ý điều chỉnh nhiệt độ khi dùng chảo, không nên dùng để nướng, thắng đường hay rang thịt cháy cạnh. Bạn cũng đừng để lửa bén vào lòng chảo, tuyệt đối tránh để chảo không trên bếp nóng khi chưa có dầu, mỡ hoặc thức ăn.
Hiện nay, chỉ có một số lớp chống dính được chứng nhận an toàn cho sức khỏe do các tổ chức uy tín cấp. Tuy nhiên, chị em vẫn nên nấu ăn ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình để đảm bảo tuổi thọ của chảo.
Rửa bằng nước ấm
Bạn cần giữ bề mặt lòng chảo hoàn toàn sạch sẽ, bởi dầu mỡ, cặn đường, muối xót lại và thức ăn thừa dễ làm giảm khả năng chống dính của chảo. Chảo sạch hơn khi được vệ sinh bằng dung dịch nước rửa bát ấm.
Chuyên gia Mariette Mifflin lưu ý, không nên rửa chảo khi vừa chiên rán xong, do nhiệt độ thay đổi đột ngột dễ khiến chảo bị biến dạng và bong tróc lớp chống dính. Bạn chỉ nên ngâm nước hoặc rửa khi chảo gần nguội. Việc ngâm giúp cặn muối và thức ăn thừa dễ gột rửa hơn.
Bảo quản trên cao
Treo lên giá cao là cách bảo quản chảo tốt nhất. Bạn không nên để các xoong nồi khác chồng lên chảo, tránh làm xước lớp chống dính hoặc biến dạng chảo. Nhiệt độ và dầu ăn phân tán thường không đều nếu chảo bị móp méo.
Bạn cũng có thể cho chảo chống dính vào lò nướng để nướng bánh, thịt gà… hoặc bảo quản trong tủ lạnh nếu ngại múc thức ăn ra. Chảo cho được vào lò vi sóng (loại cỡ lớn) nếu lớp phủ bên ngoài của nhà sản xuất không phải là kim loại.
Thay mới chảo khi hỏng lớp chống dính
Chảo cần thay mới khi lòng chảo bị trầy xước hoặc sát dính thức ăn, thường là 1-2 năm sử dụng, hoặc 3 năm nếu lớp chống dính vẫn được bảo toàn.
Để chảo dùng bền, trước khi sử dụng lần đầu bạn có thể dùng mẹo sau: rửa chảo sạch, lau bề mặt lòng chảo với một ít dầu ăn. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ của lớp chống dính.
VnExpress