Y tế - Sức khỏe

5 nguyên tắc "vàng" ngừa bệnh cúm

14:20, 17/11/2014 (GMT+7)

Cảm cúm thông thường là nhiễm virut đường hô hấp trên, mũi và cổ họng gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm song tần suất bệnh cao nhất vào mùa đông. Đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, những người có sức miễn dịch kém...

Triệu chứng và dấu hiệu cần đến bệnh viện

Bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm. Virut cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc mũi. Các virut có thể lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi một ai đó bị bệnh ho, hắt hơi, nói hoặc qua tiếp xúc trực tiếp lây lan qua đồ vật, cầm nắm dụng cụ, khăn, đồ chơi hoặc điện thoại.

Các triệu chứng của cảm cúm thường xuất hiện khoảng 1 - 3 ngày sau khi tiếp xúc với một virut cảm cúm. Các dấu hiệu và triệu chứng của cảm cúm thông thường có thể bao gồm: Cơ thể đau nhức hoặc đau đầu nhẹ, hắt hơi, chảy nước mắt, hơi sốt, người mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc đau họng, ho…

Cảm cúm kèm sốt 390C trở lên, đau người và mệt mỏi, ra mồ hôi, ớn lạnh và ho khi đờm có màu, họng sưng đau,… Đối với trẻ em khi có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng như: Sốt 38,50C người ớn lạnh hay ra mồ hôi, sốt kéo dài hơn ba ngày, nôn hoặc đau bụng, ngủ li bì, đau đầu dữ dội, khó thở, quấy khóc, đau tai, ho dai dẳng… cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh biến chứng nguy hiểm.

Một số biến chứng thường gặp

Do bệnh cảm cúm thường có nhiều biểu hiện nhẹ với các triệu chứng rất phổ biến như sốt, ho dai dẳng trong một vài ngày nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi nên ít đến cơ sở y tế khám. Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc điều trị quá muộn cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, nhất là với những người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh tim, phổi mạn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch,…

Những biến chứng thường gặp như: Viêm tai giữa - đây là một biến chứng của cảm cúm phổ biến ở trẻ em. Xảy ra khi vi khuẩn hoặc virut xâm nhập vào phía sau màng nhĩ. Dấu hiệu và triệu chứng điển hình bao gồm đau tai, và trong một số trường hợp nước mũi màu xanh hoặc màu vàng từ mũi đi kèm với một cơn sốt sau một cảm cúm thông thường. Đối với trẻ nhỏ biểu hiện đơn giản chỉ có thể khóc hoặc ngủ li bì. Tiếp theo là viêm xoang thường gặp ở người lớn hoặc trẻ em, cảm cúm kéo dài không điều trị tái đi tái lại có thể dẫn đến viêm xoang.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm là hội chứng Reye ở trẻ em (hội chứng Reye rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao). Hội chứng Reye hay xảy ra nhất trong khoảng từ 2 - 16 tuổi, vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn. Sau đó khoảng 1 - 2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng và có thể tử vong rất nhanh.

Do vậy, khi có các triệu chứng của cảm cúm cần điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ, không nên coi thường bệnh mà nguy hại cho sức khỏe. Khi có biểu hiện cảm cúm hoặc cảm cúm kéo dài không được tự ý dùng kháng sinh. Điều này hết sức nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virut nên việc tự điều trị kháng sinh với cảm cúm là không đúng và sẽ không giúp bệnh thuyên giảm và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

Uống nước, ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C, rửa tay là cách phòng bệnh cúm hiệu quả.
Uống nước, ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C, rửa tay là cách phòng bệnh cúm hiệu quả.

Chủ động phòng bệnh

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh cảm cúm lây truyền do virut cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh, gia tăng mạnh trong thời gian này là do thời tiết trở lạnh. Để phòng chống bệnh cảm cúm, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tránh đến chỗ đông người khi có dịch cảm cúm; ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung vitamin cho cơ thể...; người bị cảm cúm cần nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây lan virut. Chủ động phòng bệnh bằng 5 biện pháp sau:

Tiêm vắc-xin phòng bệnh: Do bệnh cảm cúm xảy ra quanh năm và ai cũng có thể lây cúm nên việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất, tốt nhất nên tiêm khi cơ thể khỏe mạnh để cơ thể sinh kháng thể phòng chống cúm hiệu quả.

Uống đủ nước: Theo lời khuyên của các chuyên gia, để phòng cảm cúm hằng ngày cần tăng cường uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, cháo, súp...), đặc biệt là nước ấm. Việc này sẽ giúp cơ thể đầy đủ chất tăng cường sức đề kháng chống được bệnh tật lây nhiễm.

Rửa tay thường xuyên: Tay là nơi con người thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, vi khuẩn... khi ở ngoài đường. Tay cũng là nơi hay tiếp xúc với vùng mũi, miệng. Chính vì thế, các chuyên gia khuyên rằng nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi vừa đi làm, lao động tiếp xúc giao tiếp đông người sẽ tránh được những vi khuẩn có thể lây bệnh qua đường hô hấp.

Súc miệng nước muối: Súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp phòng bệnh viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm khuẩn phát sinh. Sử dụng nước ấm và có thể thêm một chút tinh chất từ củ nghệ để thêm tác dụng chống viêm.

Bổ sung vitamin C: Hãy bổ sung vitamin C cho cơ thể càng nhiều càng tốt những khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Các loại rau, quả nhiều vitamin C như: cam, chanh, bưởi… rất tốt cho hệ miễn dịch để phòng bệnh cúm hiệu quả.

SKĐS

.