Đà Nẵng cuối tuần
Thiên niên kiện - cây thuốc quý của Việt Nam
“Thiên niên kiện mạnh gân xương/ trừ phong tê thấp, xông hương trị chàm”. Đó là câu ca chúng tôi soạn để truyền thông về cây thuốc này trong hệ thống nhà thuốc Tuệ Tĩnh đường ở Đà Nẵng.
Theo Viện Dược liệu, Thiên niên kiện là cây thuốc quý và có trữ lượng lớn của Việt Nam. Ở nước ta, ngoài loài Homalomena occulta (Lour.) Schott, thuộc họ Ráy – Araceae, có vùng phân bố rộng nhất, còn có ít nhất 3 cây cùng chi là: H. gigantea Engl. (Thiên niên kiện lá to), H. pierreana Engl. (Thiên niên kiện lá hình thìa) và loài H. cochinchinensis có phân bố hẹp hơn ở phía Nam.
Thiên niên kiện có vị đắng cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh can thận, có tác dụng trừ phong thấp, mạnh gân xương; được dùng chữa thấp khớp, tay chân và các khớp xương nhức mỏi hoặc co quắp tê bại, rất tốt cho những người cao tuổi, già yếu. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, ngâm rượu hoặc dạng bột phối hợp với nhiều vị khác. Cũng có thể dùng tươi giã nát ngâm rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại. Rễ khô tán nhỏ rắc trừ sâu, nhậy, và còn được dùng trong bài thuốc chữa phù với lá phù dung, rễ cỏ xước, ý dĩ, hy thiêm, thổ phục linh. Ngoài ra, rễ tươi giã với muối đắp làm tan mụt nhọt. Theo cụ Lê Trần Đức, Thiên niên kiện còn vào tỳ chữa tê thấp và ăn kém tiêu, có thể tạm thay Thương truật, dùng 8-10g phối hợp với các vị khác. Kinh nghiệm của Việt Nam còn dùng khói Thiên niên kiện và Thương truật xông chữa chàm dị ứng, viêm da thần kinh. Khi dùng thiên niên kiện uống cần lưu ý dùng quá liều có thể gây chóng mặt, ói mửa,… và người âm hư nội nhiệt kiêng dùng.
Một số bài thuốc có Thiên niên kiện:
1- Chữa thấp khớp, đau nhức xương:
a. Thiên niên kiện 10g, Hy thiêm 20g, Mộc qua 15g, Ngưu tất 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
b. Thiên niên kiện, Dây chiều, Kê huyết đằng, Đan sâm, Thục địa, Xích thược, Thổ phục linh, Độc hoạt, Khương hoạt, Tang ký sinh, Đỗ trọng mỗi vị 12g; Đảng sâm 20g, Hoài sơn 16g, Ngưu tất 10g, Nhục quế 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
c. Thiên niên kiện, Kê huyết đằng, Hà thủ ô trắng, Ngũ gia bì mỗi thứ 50g ngâm rượu cùng rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, sau 3 tháng thì uống theo bữa cơm mỗi lần 1 chén nhỏ.
d. Thiên niên kiện 12g, Rễ cỏ xước 40g, Hy thiêm 28g, Thổ phục linh 18g, Cỏ mực 16g, Ngải cứu 12g, Thương nhĩ tử (sao vàng) 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
e. Thiên niên kiện 12g, Rễ bưởi bung 10g, Quả dành dành 8g. Sắc hoặc ngâm rượu uống.
f. Thiên niên kiện, Kim ngân, Cỏ xước, Thổ phục linh, Hy thiêm, Ké đầu ngựa, Cây xấu hổ, Dây đau xương, Cà gai leo. Các vị lượng bằng nhau, rửa sạch, đun kỹ, cứ 1kg dược liệu khô sắc lấy 1 lít nước thuốc, chế thành rượu thuốc hoặc si-rô để uống.
g. Thiên niên kiện 12g, Cốt toái bổ 10g, Bạch chỉ 8g. Sắc uống.
2. Chữa đau bụng kinh: Thiên niên kiện, Rễ bưởi bung, Rễ bướm bạc, Gỗ vang, Rễ sim rừng, các vị bằng nhau. Sắc uống.
3. Chữa dị ứng, mẩn ngứa, lở sơn: Thiên niên kiện, Sả, Gừng mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày.
Xin được nói thêm, Thiên niên kiện là vị thuốc được danh y Triệu Học Mẫn (1719-1805) ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc trong sách Bản thảo cương mục thập di biên soạn năm 1803. Trong khi đó, Thiền sư Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu (quyển 10, chương 1, tiết 3) có ghi nhận một bài thuốc kinh nghiệm rất hay: dùng Thiên niên kiện và hạt Gấc mài với rượu ngon phết lên nhọt độc chạy chỗ này sang chỗ khác.
Và, trong Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng của Tuệ Tĩnh, do Y viện triều Lê Dụ Tông khắc in năm 1723, thì ghi nhận vị thuốc này dưới các tên Ráy xước hay Sơn phục: “cây Ráy xước người rằng Sơn phục” (Nam dược quốc âm phú). Một số địa phương như Quảng Nam ngày nay vẫn gọi tên Sơn phục, Thần phục hay Tầm phục cho các loài Thiên niên kiện.
Như vậy, so với y văn Trung Quốc, y văn Việt Nam đã ghi chép về vị thuốc này sớm hơn ít nhất là một thế kỷ. Hiện nay, Trung dược đại từ điển chép về vị thuốc này vẫn còn khá sơ sài, đặc biệt không kèm theo một bài thuốc nào. Trong khi đó, sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của tập thể tác giả Viện Dược liệu giới thiệu về cây thuốc này khá phong phú, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm.
PHAN CÔNG TUẤN