Y tế - Sức khỏe

Tránh "nghẽn" vắc-xin

Đừng đợi đến dịch mới tiêm

07:43, 25/12/2014 (GMT+7)

Thiếu vắc-xin kéo dài trong thời điểm có dịch và quá tải tại Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố là hai vấn đề nổi bật của tình hình tiêm chủng năm 2014 ở Đà Nẵng.

Trẻ đủ tuổi, đủ điều kiện nên được tiêm vắc-xin trước khi xảy ra dịch.
Trẻ đủ tuổi, đủ điều kiện nên được tiêm vắc-xin trước khi xảy ra dịch.

Trước thực trạng thiếu hụt vắc-xin trong năm 2014, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc TTYTDP thành phố cho biết:

- Về cơ bản, có hai nguyên nhân khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan xuất phát từ việc sản xuất và cung ứng thuốc của các công ty vắc-xin trên thế giới. Năm qua, một số công ty thay đổi nhà máy, hoặc tập trung đưa vào ứng dụng vắc-xin đang thử nghiệm, hoặc ưu tiên vắc-xin cho một số nước mới sử dụng vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nên dẫn đến thiếu vắc-xin cung ứng cho thị trường Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng.

Đối với vấn đề này, phía chúng ta khó khắc phục được vì phụ thuộc vào nhà cung ứng. Bên cạnh đó, dịch bệnh như sởi, thủy đậu diễn biến phức tạp, dẫn đến việc cần một lượng lớn vắc-xin trong cùng một thời điểm nên cung không đủ cầu.

Theo đánh giá của chúng tôi, một khía cạnh có thể khắc phục để giải quyết một phần tình hình “nghẽn” vắc-xin, đó là cần thay đổi cách đưa con đi tiêm chủng của các bậc phụ huynh. Nhiều người lo tiêm chủng không an toàn nên không đưa con đi tiêm, đến khi nghe thông tin có dịch lại đổ xô đi, dẫn đến thiếu thuốc tại thời điểm đó. Chúng tôi mong rằng, khi con đủ tuổi, đủ điều kiện, người dân nên cho trẻ đi tiêm, không nên chần chừ.

* Bên cạnh thiếu vắc-xin, tình trạng quá tải chưa từng thấy so với các năm trước tại TTYTDP thành phố cũng là vấn đề nổi bật của ngành. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?

- Đầu tiên phải kể đến tâm lý phụ huynh muốn đưa con đến tiêm ở TTYTDP… cho chắc. Thứ hai, như đã nói trên, hầu hết phụ huynh khi nghe công bố dịch mới ồ ạt đi tiêm nên tình trạng quá tải là điều khó tránh khỏi. Một lý do nữa là hiện nay, cơ sở TTYTDP đã xuống cấp, diện tích không đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh ngày càng cao của người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn thường thấy hầu hết phụ huynh cho con đi tiêm vào buổi sáng, nên vào những buổi này lượng người bị dồn ứ tại trung tâm. Khoa học đã chứng minh trẻ tiêm vào buổi chiều cũng tốt như buổi sáng. Vì vậy, từ năm 2015, phụ huynh cần cân nhắc thời gian đưa trẻ đi tiêm để tránh quá tải.

* Nhiều người thắc mắc vì sao trung tâm y tế quận, huyện cũng có tiêm chủng dịch vụ, nhưng phụ huynh vẫn cứ ùn ùn đưa con đến TTYTDP?

- Tôi xin chia sẻ thêm một câu chuyện: Nhiều lần TTYTDP treo bảng thông báo và cử nhân viên hướng dẫn người dân về quận, huyện tiêm vì ở đó cũng có vắc-xin và giá tương tự, nhưng nhiều người thà quay về nhà, đợi hôm khác đến TTYTDP chứ không đến các đội y tế dự phòng ở địa phương.

Điều này theo tôi xuất phát từ việc tổ chức tư vấn, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm tại TTYTDP thành phố được thực hiện bài bản hơn các đội y tế dự phòng quận, huyện.

Theo quy định mới của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng vắc-xin, hạn cuối đến cuối năm 2015, các cơ sở tiêm chủng (mở rộng lẫn dịch vụ) buộc phải có giấy phép đủ tiêu chuẩn, qua đó đòi hỏi các điểm tiêm phải đáp ứng các yêu cầu do Bộ đưa ra. Trước đây, đơn vị tiêm chủng tự làm bản cam kết là đã được hoạt động. TTYTDP sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các đội y tế dự phòng quận, huyện xây dựng lại hoạt động tại địa phương để trước mắt được cấp phép cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trong năm 2015 và sau đó để người dân yên tâm chọn điểm tiêm ngay tại địa phương mình sinh sống.

Đà Nẵng hiện có các cơ sở tiêm chủng dịch vụ gồm: TTYTDP thành phố, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Phòng khám Gia đình quốc tế và 7 đội y tế dự phòng quận, huyện; sắp đến có thêm Bệnh viện Tâm Trí và Bệnh viện đa khoa Gia đình.

* Tình trạng trẻ bị sốc sau khi tiêm ở các trường học được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin bác sĩ cho biết, việc tiêm chủng đối với trẻ ở bậc tiểu học trở lên được giám sát như thế nào và những điểm mới trong hoạt động tiêm chủng trên địa bàn Đà Nẵng trong năm 2015?

- Xin đính chính rằng tình trạng sốc sau tiêm rất hiếm khi xảy ra. Việc dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua khi triển khai chiến dịch tiêm Sởi - Rubella tại các trường học là hiện tượng trẻ bị phản ứng dây chuyền tâm lý như: mệt, lả, buồn nôn, xỉu… xảy ra rải rác tại một số địa phương. Không chỉ có trẻ vừa được tiêm xong gặp phản ứng này, mà nhiều học sinh chưa tiêm và kể cả cô giáo không tiêm cũng bị hiện tượng tương tự.

Đó là phản ứng tâm lý dây chuyền và hoàn toàn không phải do vắc-xin. Đối với những trường hợp này, chỉ cần đưa trẻ ra chỗ thoáng mát nghỉ ngơi, uống thêm nước đường và sau đó trẻ tỉnh táo trở lại mà không cần xử trí can thiệp.

Tháng 1 và 2-2015, chúng tôi sẽ triển khai đợt 3 chiến dịch tiêm Sởi-Rubella cho học sinh cấp hai (11-14 tuổi) trên toàn thành phố. Để hạn chế hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền, các điểm tiêm sẽ được bố trí ở nơi rộng rãi, thoáng mát. Bên cạnh đó, phòng tiêm phải kín đáo để học sinh không nhìn thấy cảnh bạn bị tiêm rồi dẫn đến tâm lý lo sợ.

Đồng thời, đề nghị nhà trường tổ chức hoạt động vui chơi nhẹ nhàng trước giờ tiêm giúp học sinh có tâm lý thoải mái, bớt căng thẳng, hồi hộp. Ngoài những biện pháp trên, ngành y tế đương nhiên sẽ chuẩn bị sẵn sàng đội cấp cứu lưu động phòng ngừa trường hợp xử lý khẩn cấp.

Năm 2015, vắc-xin Rubella được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí. Tùy theo nguồn lực dành cho chương trình sẽ có kế hoạch triển khai phù hợp. Bên cạnh đó, vào tháng 9, toàn bộ trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn thành phố được tiêm mũi 3 vắc-xin viêm não Nhật Bản B.

Trong năm 2014, toàn thành phố có 18.000 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng, 214.000 trẻ từ 1-14 tuổi đã và sẽ được tiêm trong chiến dịch Sởi-Rubella và 66.000 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm 2 mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản B. Năm 2014, ngân sách thành phố đã hỗ trợ chương trình trên 1,2 tỷ đồng. Kinh phí chương trình ngày càng hạn hẹp, hy vọng thời gian đến, các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ kinh phí, nhân lực cho hoạt động tiêm chủng để mọi trẻ em được hưởng quyền lợi phòng bệnh.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

THU HOA thực hiện

.