Y tế - Sức khỏe
Bài 2: Đói ăn rau, đau uống thuốc
Theo Luật BHYT mới, một số loại thuốc đắt tiền điều trị ung thư sẽ bị giảm chi, bệnh nhân phải bỏ nhiều tiền hơn để đồng chi trả loại thuốc đó. Biết vậy, nhưng “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Một số bệnh nhân chỉ đáp ứng tốt với một vài loại thuốc đắt tiền, nên họ phải “cắn răng” sử dụng.
Bệnh nhân ung thư với 2 viên thuốc Tarceva giá gần 1,8 triệu đồng. |
Bệnh viện Ung thư và Bệnh viện Đà Nẵng, hai nơi đang điều trị bệnh nhân ung thư tại Đà Nẵng cho biết, trước đây, luật quy định bệnh nhân chỉ đồng chi trả 0-20%, nay luật mới yêu cầu lên 50% nên phải thực hiện như vậy.
Ám ảnh hai tiếng: Tiền thuốc!
Trước khi Luật BHYT mới chính thức có hiệu lực, các bệnh nhân đang điều trị thuốc đắt tiền nằm trong nhóm bị BHYT giảm chi tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đi nghe ngóng thông tin rồi không biết phải làm gì hơn ngoài… gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị.
Một bác sĩ tại khoa Hóa trị 2, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chia sẻ: “Mới sáng sớm, bệnh nhân đã gọi cho tôi hỏi có thiệt là thuốc Tarceva (loại 890.000 đồng/viên, mỗi ngày bệnh nhân dùng 2 viên tổng cộng gần 1,8 triệu đồng - PV) mà họ đang uống sẽ bị “tăng giá” không. BHYT chỉ thanh toán 50% thay vì 80-100% như trước đây? Bệnh nhân khác lại gọi khi nghe đâu là người nhập viện trước năm 2015 vẫn được hưởng giá cũ, dù thời gian điều trị kéo dài bao lâu chăng nữa? Có người tâm sự và bật khóc nói rằng, chắc phải bỏ ngang việc chữa bệnh vì không có tiền nếu áp dụng giá mới”.
Dù không sử dụng một trong số nhóm thuốc đắt tiền bị BHYT giảm chi đợt này, nhưng các bệnh nhân khác cũng không khỏi chạnh lòng cho những người đồng cảnh.
Một bệnh nhân nữ 50 tuổi nói: “Tôi may mắn chưa dùng đến mấy thuốc đó, nhưng như bệnh nhân nằm bên cạnh tôi nếu mỗi ngày phải trả gần 900.000 đồng cho 2 viên thuốc, và ngày nào cũng uống thì làm sao trụ nổi với liệu trình điều trị kéo dài. Nhiều người ung thư nghèo lắm. Đồng chi trả 5%, tức là chỉ trả hơn 40.000 đồng cho mỗi viên thuốc, họ đã kiệt sức rồi, huống gì đồng chi trả gấp 10 lần như vậy”.
Đồng cảm với tâm trạng bệnh nhân, một bác sĩ xin giấu tên nói rằng: Thật sự khi đã dùng Tarceva cũng là lúc bệnh nhân không còn sự lựa chọn khác. Do đó, nếu có phải bán nhà, bán đất để uống thuốc thì gia đình người bệnh cũng sẽ chấp nhận. Chẳng ai nhìn thấy một loại thuốc hiệu quả mà lại từ chối sử dụng lúc bệnh rất khó chữa.
Nhập viện trước 2015 vẫn được tính giá thuốc như cũ
Tính đến ngày 12-1, cả Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng lẫn khoa Ung bướu - Bệnh viện Đà Nẵng đều chưa có bệnh nhân mới nhập viện kể từ thời điểm đầu năm 2015 và đang phải dùng một trong số nhóm thuốc đắt tiền bị BHYT giảm chi.
Đại diện Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho biết, việc thanh toán thuốc đắt tiền trong danh mục BHYT giảm chi sẽ hoàn toàn khác nhau giữa bệnh nhân nhập viện trước năm 2015 và bệnh nhân nhập viện kể từ ngày 1-1-2015.
Với bệnh nhân cũ, người bệnh chỉ trả từ 0-20% tiền thuốc và mức giá này tiếp tục áp dụng cho đến hết liệu trình điều trị. Với bệnh nhân mới, người bệnh phải trả 50% tiền thuốc. Hiện tại, Bệnh viện Ung thư có tổng cộng 22 bệnh nhân dùng thuốc điều trị trúng đích nằm trong nhóm BHYT giảm chi. Trong đó, 21 bệnh nhân dùng Tarceva và 1 bệnh nhân dùng Nexavar.
Chị Trương Thị Mai, Y tá trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng cũng cho rằng: Người bệnh được chỉ định dùng các loại thuốc đắt tiền trên trước năm 2015 có thể yên tâm khi giá thuốc vẫn sẽ tính như cũ, dù luật mới được thi hành. Một liệu trình điều trị có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm, người bệnh có thể ra viện rồi vào viện, nhưng khi liệu trình còn tiếp tục thì giá thuốc vẫn không đổi. Người quyết định kết thúc quá trình sử dụng thuốc đó hay không là do bác sĩ điều trị. Hiện khoa này có 15 bệnh nhân cũ dùng Tarceva.
Tuy nhiên, với bệnh nhân mới nhập viện và được chỉ định dùng thuốc từ năm 2015, giá sẽ được tính đúng như BHYT mới công bố, bệnh nhân phải đồng chi trả 50%.
Bài và ảnh: THU HOA