Y tế - Sức khỏe
Cảnh giác bệnh tay-chân-miệng
Dịch sởi vào đầu năm 2014 hoành hành trên cả nước. Tuy nhiên, nguy cơ sởi có thể bùng phát trở lại theo chu kỳ vào đầu năm 2015 tại Đà Nẵng được ngành y tế khẳng định: Khó xảy ra.
Cần chủ động tiêm chủng phòng bệnh dịch. |
Trong khi đó, dù đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm nhưng tay-chân-miệng (TCM) vẫn luôn là “nhân tố bí ẩn” khi có thể dẫn đến nguy hiểm cho trẻ bất cứ thời điểm nào.
Dịch sởi khó bùng phát trong năm nay
Năm ngoái, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 686 ca nghi sởi, hiện đã có kết quả xét nghiệm của 485 ca, trong đó 382 ca dương tính (mắc sởi - PV). Trên cả nước, năm 2014 ước tính có 37.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và 6.000 ca xác định mắc sởi, trong đó 147 trẻ tử vong.
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, trước tình hình dịch sởi bùng phát như trên, thành phố đã tổ chức tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ từ 9-24 tháng tuổi vào tháng 4-2014 và chiến dịch MR (sởi - Rubella) hai đợt cho trẻ 1-10 tuổi từ tháng 9 đến tháng 12-2014. Tháng 1 và 2-2015 sẽ tiêm cho trẻ từ 11-14 tuổi. Bên cạnh đó, các hoạt động tiêm phòng sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế phường, xã vẫn tiếp tục diễn ra.
Dù hiện nay một số tỉnh tại Lào có biên giới giáp Việt Nam đang diễn ra dịch sởi, nhưng với tỷ lệ trẻ tiêm phòng sởi trên địa bàn thành phố đạt trên 95%, cùng các biện pháp tiêm vét đã, đang và sẽ thực hiện, bác sĩ Thạnh tin rằng, sởi sẽ không bùng phát tại Đà Nẵng trong năm 2015.
Kết quả ban đầu cho thấy, từ giữa tháng 11-2014 đến nay, Đà Nẵng không ghi nhận ca nghi sởi nào. Đối với trẻ đã tiêm phòng, nguy cơ mắc sởi là khó xảy ra. Song, với trẻ chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin sởi, cụ thể là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, nguy cơ mắc sởi vẫn có thể gặp phải. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh khuyến cáo: Để chủ động phòng sởi cho trẻ lứa tuổi này (dưới 9 tháng tuổi), cần cho trẻ bú sữa mẹ, vì đối với người mẹ đã từng mắc bệnh sởi hoặc đã được tiêm phòng sởi, kháng thể thụ động từ mẹ sẽ truyền cho con qua sữa.
Không lơ là với tay-chân-miệng
Những năm gần đây, TCM thường xuất hiện đỉnh dịch vào hai thời điểm trong năm: từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy vậy, ngay đầu năm nay, dù không rơi vào thời điểm đỉnh dịch, nhưng ở một tỉnh phía nam đã xảy ra ca tử vong đầu tiên do TCM. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm và khó lường của loại bệnh này.
Tại Đà Nẵng, ngoài những tháng cao điểm, còn lại TCM xuất hiện rải rác và được đánh giá là loại bệnh lưu hành quanh năm. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, thời điểm hiện tại, TCM vẫn đang được khống chế tốt trên địa bàn thành phố với trung bình dưới 10 ca/tuần. Bệnh này có tỷ lệ người lành mang trùng cao (người lớn mang virus TCM nhưng không có biểu hiện lâm sàng - PV) nên luôn cần cảnh giác, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, tránh tử vong đáng tiếc.
Hiện chưa có vắc-xin phòng TCM, nên cách phòng ngừa cơ bản nhất vẫn là giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sinh hoạt xung quanh trẻ. Đặc biệt, bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ phải luôn sạch sẽ để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Bên cạnh TCM, các bệnh dịch khác như thủy đậu, viêm não do virus cũng thường có sự gia tăng người mắc vào mùa đông xuân. Vắc-xin phòng những bệnh này hiện không có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng dịch vụ chưa cao nên nguy cơ trẻ mắc các bệnh này khá lớn.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thạnh khuyến cáo người dân nên chủ động đưa trẻ tiêm ngừa để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung cho các bệnh lây truyền theo đường hô hấp như ăn uống hợp vệ sinh, giữ ấm cơ thể và hạn chế đến nơi đông người v.v…
UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm và dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Theo đó, dịp Tết sắp đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao sẽ làm gia tăng việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm không bảo đảm. Ngoài ra, thời tiết mùa đông xuân tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm phát sinh. UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, các hội đoàn thể, bệnh viện, trường học tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh và có kế hoạch cụ thể triển khai các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm. Cần chú ý đối với địa bàn có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, các xã miền núi và những địa bàn hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế. Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, hiện nay, dịch cúm A/H5N1 đang xảy ra trên đàn gia cầm tại 3 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long. Dịch cúm A/H5N6 đang xảy ra trên đàn chim cút tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. |
Bài và ảnh: TOÀN VÂN