Đà Nẵng cuối tuần

Phương hay Thuốc quý

Cây Thanh táo

07:31, 17/01/2015 (GMT+7)

Một đồng nghiệp từ Quảng Ngãi tìm gặp tôi nhờ xác định một mẫu cây thuốc mà trước đó chị đã hỏi một dược sĩ trưởng khoa Dược ở một bệnh viện Y học cổ truyền cho là cây Mần tưới hay Trạch lan. Tôi xác quyết mẫu cây thuốc đó chính là cây Thanh táo.

Cây Thanh táo - Justicia gendarussa.Ảnh: P.C.T
Cây Thanh táo - Justicia gendarussa.Ảnh: P.C.T

Sở dĩ tôi dám xác quyết như vậy, là bởi nhà tôi có trồng cây này từ lâu, cách đây vài năm tôi đã gửi mẫu nhờ TS.Võ Văn Chi, tác giả Từ điển cây thuốc Việt Nam định danh chính xác tên cây thuốc đó là Thanh táo, tên khoa học là Justicia gendarussa L.f. (tên đồng nghĩa Gendarussa vulgaris Nees), thuộc họ Ô rô - Acanthaceae. Thanh táo còn gọi Thuốc trặc, Tần cửu, một số người dân ở Quảng Nam- Đà Nẵng gọi là cây Tam phòng;  tên chữ Hán là Tiểu bác cốt (小驳骨) hay Bác cốt đơn (驳骨丹).

Thanh táo có mọc hoang và thường được trồng làm hàng rào, là cây nhỏ thường xanh cao 1-1,5m. Thân cành non màu xanh hoặc tím sẫm. Lá mọc đối, hình mác hẹp, có gân chính tím. Trên mặt lá thường có những đốm vàng hoặc nâu đen do một loài nấm gây nên. Hoa mọc thành bông ở ngọn hay ở nách lá về phía ngọn bao bởi nhiều lá bắc hình sợi. Hoa màu trắng, có đốm tía. Cây mọc hoang và thường được trồng ở nhiều nơi làm hàng rào. Có thể trồng bằng hạt, nhưng thường được trồng bằng cành. Các bộ phận của cây thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần. Trong cây có một alcaloid là justicin và một lượng rất ít tinh dầu. Lá chứa một alcaloid có tính độc nhẹ.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, Thanh táo có vị cay, tính ấm; có tác dụng nối gân tiếp xương, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau. Rễ có vị hơi chua cay, tính bình có tác dụng hoạt huyết, trấn thống, làm lợi đại tiểu tiện, tán phong thấp. Vỏ rễ và vỏ thân có tác dụng gây nôn. Lá có tác dụng sát trùng.

Thanh táo thường được dùng trị gãy xương, sái chân, phong thấp viêm khớp xương. Rễ dùng chữa vàng da, giải độc rượu, còn trị viêm thấp khớp, bó gãy xương, trật khớp. Liều dùng 12-20g cây khô, dạng thuốc sắc. Vỏ rễ, vỏ thân sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa tê thấp. Rễ và cành lá có thể dùng tươi giã đắp các vết thương chỗ sưng tấy và bó gãy xương. Còn dùng tán bột rắc trừ sâu mọt.

Một số đơn thuốc:

1. Chữa sản phụ máu xấu đưa lên choáng váng, mắt mờ: Thanh táo, Mần tưới, Cỏ mần trầu, mỗi vị 20g, sắc uống.

2. Chữa vết lở, vết thương nhiễm độc chảy máu không dứt hay nhọt lở thối loét, khó kéo miệng: Lá Thanh táo và lá Mỏ quạ lượng bằng nhau, rửa với nước muối, giã nhỏ, đắp rịt, thay thuốc hằng ngày. Trong uống nước sắc Bạch chỉ nam, Kim ngân hoa, Bồ công anh, mỗi vị 1 nắm và ăn rau muống hằng ngày, sau một tuần lễ sẽ có kết quả.

3. Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm: Rễ Thanh táo, Miếp giáp, Địa cốt bì, Sài hồ mỗi vị 10g; Đương quy, Tri mẫu mỗi vị 5g; Thanh cao, Ô mai mỗi vị 4g. Sắc uống trong ngày.

4. Chữa phong thấp, tay chân tê bại: Rễ Thanh táo, Dây chiều, Rễ hoàng lực, Rễ gai tầm xoọng, mỗi vị 20g; Cốt khí củ, Thiên niên kiện mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

5. Chữa bong gân sai khớp: Thanh táo 20g, lá diễn tươi 50g; Cốt toái bổ, Xuyên tiêu, Mần tưới mỗi vị 20g. Sắc uống lúc còn ấm, mỗi ngày 1 thang. Bên ngoài dùng lá Thanh táo, lá Ngải cứu, lá diễn dùng tươi, lượng bằng nhau. Giã nhỏ đắp ngày 2 lần.

6. Viêm tinh hoàn (dái sưng đau, một bên sa xuống): Rễ thanh táo, Rễ sưng, Rễ bấn trắng, Rễ vạy đỏ, mỗi vị một nắm, sắc uống.

7. Cao thuốc hỗ trợ cai nghiện ma túy của N.Radin Supakhan (Y học cổ truyền Malaysia, Kuala Lumpur,1988): Thanh táo, Muồng trầu, Mắc cỡ, Trầm hương, Ô rô biển, một loài Bổ béo (Gomphandra sp.), một loài Găng (Randia sp.). Tác giả không nêu liều lượng các vị thuốc, chỉ nêu liều dùng mỗi lần 1 muỗng canh, ngày đầu tiên 10-15 lần, các ngày sau tối thiểu 5 lần, uống trong 1 tuần lễ. Sau đó dùng ngày 2 lần sau bữa ăn trưa và chiều.

Có thêm một thông tin thú vị, theo Courrier International, một giáo sư ở Đại học Airlangga, Indonesia đã nghiên cứu chế thuốc tránh thai cho nam giới từ cây Thanh táo (do tác dụng của một enzym trong Thanh táo ức chế men hyaluronidase của tinh trùng tiết ra khi tiếp xúc với noãn, làm cho tinh trùng không khoan thủng được vỏ noãn để chui vào làm nhiệm vụ thụ tinh). Trên cơ sở nghiên cứu này, tháng 12-2010, chính quyền Indonesia đã giao cho Tập đoàn Dược phẩm Indopharma nghiên cứu sản xuất viên tránh thai cho nam giới từ cây Thanh táo và làm các thử nghiệm lâm sàng trước khi sản xuất hàng loạt.

PHAN CÔNG TUẤN

(Theo tạp chí Cây thuốc quý, số 230, tr.10)

.