Y tế - Sức khỏe

Điều trị cai nghiện bằng châm cứu

08:29, 18/06/2015 (GMT+7)

Chỉ bằng 3 phương pháp kết hợp: điện châm, hỏa long cứu và thuốc nam giải độc lần đầu tiên triển khai tại Đà Nẵng, nhiều người nghiện ma túy đã cắt được cơn và giảm nguy cơ tái nghiện.

Phương pháp hỏa long cứu được sử dụng trong điều trị cai nghiện.
Phương pháp hỏa long cứu được sử dụng trong điều trị cai nghiện.

“Mình thấy không còn vật vã, thèm thuốc nữa mà người cũng khỏe hẳn”, anh L.H.N (22 tuổi, ở Bến Tre) nói. Là con cưng trong một gia đình khá giả ở Bến Tre, N. nghe bạn bè xấu rủ rê đi chơi và nghiện lúc nào không hay. 3 năm trong vòng luẩn quẩn cai nghiện - tái nghiện - cai nghiện, N. tưởng mình không thoát khỏi “nàng tiên nâu” để trở lại cuộc sống bình thường. Rồi N. được ba mẹ đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng để điều trị cắt cơn và chống tái nghiện. Lúc mới vào, N. vật vã, thèm thuốc, cảm giác như có dòi bò trong xương... Sau nhiều ngày được châm cứu kết hợp uống thuốc nam, những triệu chứng này đã không còn.

Cũng như N., anh P.T.D (33 tuổi, ở Hà Nội) nghiện heroin và bị tái nghiện nhiều lần. Anh D. cho biết, lần này đưa cả vợ và hai con nhỏ vào đây, quyết tâm đoạn tuyệt “nàng tiên nâu” với việc điều trị bằng phương pháp châm cứu phối hợp thuốc nam. Đến nay, anh không còn ngáp, chảy nước mắt, ớn lạnh, tiêu chảy, nôn… Sức khỏe đã ổn định nhiều và dứt hẳn thèm thuốc.

Theo thống kê, Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng đã thực hiện điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy bằng châm cứu phối hợp thuốc nam cho 82 người nghiện, trong đó có 14 người nghiện ma túy tổng hợp. Theo khảo sát bước đầu, kết quả thành công trên 80%. Những trường hợp không thành công do bệnh nhân trốn viện và không quyết tâm cao, còn lén dùng ma túy.

Tại bệnh viện này, bệnh nhân được dùng phương pháp điện châm hỗ trợ điều trị cai nghiện (đã được Bộ Y tế ban hành) và phương pháp hỏa long cứu (một kỹ thuật mới do lương y Phan Công Tuấn nghiên cứu ứng dụng lần đầu tiên trong cả nước), áp dụng xen kẽ với các lần điện châm để điều trị những triệu chứng khó chịu khi cai thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân còn được dùng mỗi ngày 1 thang thuốc nam hỗ trợ cai nghiện gồm 18 vị thuốc mà Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố nghiên cứu bào chế nhằm tăng lực, giải độc ma túy, điều hòa cơ thể, hóa giải các triệu chứng khó chịu trong hội chứng cai. Bài thuốc này được dùng tiếp tục cho bệnh nhân trong giai đoạn hậu cắt cơn để tránh tái nghiện.

Lương y Phan Công Tuấn, Trưởng đơn vị thừa kế, ứng dụng thuốc nam châm cứu của Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố, cho biết sau khi điều trị cắt cơn (7 ngày đối với nghiện horein và 14 ngày với nghiện ma túy tổng hợp), bệnh nhân tiếp tục được châm cứu cách nhật hoặc 5lần/tuần và uống thuốc nam giải độc, phục hồi sức khỏe trong vòng 2 tháng để chống tái nghiện.

“Nghiện ma túy là bệnh mãn tính do sự rối loạn của não bộ. Điều trị nghiện là quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, làm thay đổi nhận thức, hành vi, nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Những liệu pháp đông y giúp bệnh nhân cắt cơn khá êm ái, ít vật vã. Sau từ 2-3 ngày, hầu hết triệu chứng trong hội chứng cai như: thèm thuốc, ngáp, chảy nước mắt nước mũi, toát mồ hôi, nổi da gà, đau mỏi khớp, co cơ, dòi bò trong xương, nôn… đều giảm và khỏi. Riêng chứng mất ngủ kéo dài sang ngày thứ 5-6 mới đỡ”, lương y Phan Công Tuấn cho biết.

Tại Đà Nẵng, tính đến nay, toàn thành phố có khoảng 2.000 người liên quan ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 1.600 người nghiện ma túy trong cộng đồng, chỉ 297 trường hợp sử dụng biện pháp cai. Thời gian qua, Đà Nẵng kịp thời ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, đã tạo điều kiện cho việc lập thủ tục, giảm thời gian, mang lại kết quả khả quan đối với việc quản lý người nghiện.

Tuy nhiên, điều lo ngại là tỷ lệ tái nghiện còn cao (khoảng 70%), số nghiện trong cộng đồng khá lớn..., gây khó khăn trong công tác điều trị và quản lý người nghiện trên địa bàn thành phố. Vì vậy, việc cai nghiện bằng kỹ thuật châm cứu góp phần cải thiện tình trạng trên, ngăn chặn tệ nạn ma túy, nâng cao kết quả điều trị cắt cơn và chống tái nghiện, cũng như thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” trong chương trình “5 không” của thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.