Y tế - Sức khỏe
Đi tìm cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
Với cơ chế khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT) là mô hình chưa từng có tại Việt Nam. Có được bệnh viện này đã là một kỳ công, nhưng giữ được và duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là những bệnh nhân nghèo ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, là vấn đề càng khó hơn.
Bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được miễn chi phí điều trị sau khi trừ phần được BHYT thanh toán. (Ảnh mang tính minh họa) |
Bài 1: Mô hình chưa có tiền lệ
Một ý tưởng - vạn tấm lòng
“3 năm qua, tui đưa chồng ra Hà Nội chữa bệnh. Nhà cửa, ruộng vườn bán sạch rồi, định về nhà nằm chờ “trời kêu…” thôi. Giờ đến đây, chồng tui được chữa bệnh không mất đồng nào. Mừng quá!”, bà Lê Thị Na (55 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thổ lộ. Chồng bà Na bị ung thư hạch, đã điều trị tại Hà Nội nhưng phải đưa về nhà vì không đủ tiền chữa trị, nay được BVUT Đà Nẵng điều trị miễn phí.
Không chỉ chồng bà Na mà đã có hơn 4.000 lượt bệnh nhân nghèo được BVUT miễn, giảm viện phí trong 3 năm qua với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. “Bệnh nhân thuộc hộ nghèo được miễn hoàn toàn chi phí điều trị sau khi trừ phần bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, kể cả tiền thuốc không có trong danh mục thanh toán của BHYT. Ngoài ra, chúng tôi còn miễn tất cả chi phí ăn, ở cho bệnh nhân và người nhà thuộc diện hộ nghèo có BHYT. Còn với những bệnh nhân khi đến điều trị mà không có thẻ BHYT và không thuộc diện nghèo, chúng tôi sẽ căn cứ mức trần điều trị ở các bệnh viện có khoa ung thư khác để thu viện phí mức bằng hoặc thấp hơn”, bác sĩ Trịnh Lương Trân, Giám đốc BVUT cho biết.
BVUT với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. “Cha đẻ” của BVUT chính là cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Với sự kêu gọi, vận động của ông lúc đó, nhiều tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã góp kinh phí, giúp trang thiết bị. Và BVUT đã ra đời từ tâm huyết của lãnh đạo thành phố; sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng sự giúp đỡ của hàng vạn tấm lòng.
Chuyện cổ tích đã thành hiện thực với những bệnh nhân nghèo khu vực miền Trung. Sự ra đời của BVUT càng mang nhiều ý nghĩa khi tại nhiều bệnh viện ở các thành phố lớn, bệnh nhân và người nhà phải “ngồi viện” vì quá tải; người nhà của họ nằm la liệt ngoài hành lang hay thậm chí ở dưới gầm giường người bệnh… hơn nữa, bệnh nhân ung thư nghèo không thể tiếp tục chữa trị vì không đủ tiền.
Mô hình “lạ”
BVUT được “gọi tên” là Công ty TNHH MTV hoạt động theo Luật doanh nghiệp, do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố làm chủ đầu tư với vốn điều lệ 985 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh, nguồn thu chính từ các dịch vụ khám, chữa bệnh và các dịch vụ hợp pháp khác... Nguồn quỹ xây dựng bệnh viện được huy động từ nhiều nguồn, bao gồm: ngân sách, các nhà hảo tâm đóng góp, trái phiếu chính phủ và xã hội hóa.
Theo báo cáo của Sở Tài chính trình Thường trực HĐND thành phố xin chủ trương về cơ chế hỗ trợ, đặt hàng cho BVUT ngày 2-7-2014, tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình và mua sắm thiết bị cho BVUT khoảng hơn 1.305 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, trong Tờ trình về cơ chế đặt hàng cho BVUT của UBND thành phố ngày 8-7-2014, tổng kinh phí xây dựng BVUT là 1.104 tỷ đồng. Mới đây nhất, trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố ngày 1-6-2015, tổng mức đầu tư cho BVUT là 1.229 tỷ đồng. Bởi vậy, tổng nguồn vốn đầu tư thực cho bệnh viện này là bao nhiêu (ngoài nguồn vốn từ ngân sách) thì đến nay, UBND thành phố cũng chưa nắm rõ vì chủ đầu tư là Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố.
Tính đến nay, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương “rót” vào BVUT đã lên đến con số trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2014, thành phố còn chi hỗ trợ (khoản chi thường xuyên) cho bệnh viện 20 tỷ đồng để duy trì hoạt động của bộ máy. Dự kiến năm 2015, ngân sách thành phố phải bỏ ra thêm 20 tỷ đồng chi hỗ trợ thường xuyên để bệnh viện duy trì hoạt động.
Đó là chưa kể 150.000m2 đất mà thành phố đã cấp cho bệnh viện không thu tiền sử dụng đất (Quyết định số 9679/QĐ-UBND ngày 6-12-2007 về “Phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất Bệnh viện ung thư”). Nếu tính với giá 3 triệu đồng/m2 thì 150.000m2 đất thành phố cấp cho BVUT có giá trị khoảng 450 tỷ đồng.
Như vậy, dù có đến hơn 90% nguồn vốn xây dựng đến từ nguồn ngân sách nhưng BVUT lại là bệnh viện ngoài công lập.
Bài và ảnh: NGUYỄN - LÊ