Y tế - Sức khỏe

Mẹ nhiễm HIV sinh con vẫn khỏe mạnh

07:50, 18/06/2015 (GMT+7)

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả. Vì vậy, trong hai năm 2013 và 2014, trên địa bàn thành phố không có trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Trẻ cần được tầm soát để tránh nguy cơ lây bệnh từ mẹ. (Ảnh mang tính minh họa)
Trẻ cần được tầm soát để tránh nguy cơ lây bệnh từ mẹ. (Ảnh mang tính minh họa)

Con không nhiễm HIV từ mẹ

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, thời gian qua, hàng trăm phụ nữ mang thai nguy cơ cao trong lây truyền HIV đã được phát hiện, chăm sóc và điều trị. Các bác sĩ cho biết, khi được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, người mẹ được điều trị dự phòng từ khi thai 14 tuần tuổi, được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ tại điểm cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi.

Ngay sau khi được sinh ra, trẻ được dùng thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ, theo dõi sức khỏe và tiếp tục được giới thiệu đến Phòng khám ngoại trú nhi tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi để theo dõi và chăm sóc sức khỏe. Tại đây, trẻ được lập hồ sơ và khám sức khỏe định kỳ; được chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV bằng kỹ thuật lấy máu ở gót chân để xét nghiệm PCR và điều trị các nhiễm trùng cơ hội (nếu có), cũng như điều trị ARV nếu kết quả PCR dương tính.

Tình trạng nhiễm HIV của trẻ sẽ được khẳng định bằng xét nghiệm HIV khi trẻ đủ 18 tháng theo quy định và nếu âm tính, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường. Ngoài ra, chương trình phòng, chống HIV/AIDS còn phát miễn phí sữa ăn thay thế sữa mẹ cho trẻ đến 12 tháng tuổi nhằm ngăn chặn nguy cơ lây truyền HIV từ sữa mẹ.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, cho biết những năm gần đây, số ca phát hiện nhiễm HIV mới trên địa bàn thành phố có xu hướng ổn định, với khoảng 120 trường hợp mỗi năm, trong đó có khoảng 50% trường hợp là người Đà Nẵng. Trong hai năm 2013 và 2014, trên địa bàn thành phố, không có trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị lây nhiễm HIV.

Đây là kết quả của việc phát hiện sớm và điều trị, chăm sóc dự phòng hiệu quả. Theo bác sĩ Thủy, HIV có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, chuyển dạ đẻ và cho con bú. Tuy nhiên, nếu bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc dự phòng đầy đủ và đúng cách thì sẽ kiểm soát được lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, xác định nguy cơ và làm xét nghiệm HIV. Tốt nhất nên xét nghiệm HIV sớm khi bắt đầu mang thai hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Nhiều phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV muộn

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai từ năm 2009, nhưng tỷ lệ phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV muộn vẫn nhiều. Đặc biệt, vẫn có những trường hợp mẹ phát hiện nhiễm HIV khi sinh tại các tuyến y tế cơ sở, y tế tư nhân nên không kịp điều trị dự phòng cho mẹ, làm giảm hiệu quả dự phòng lây truyền HIV cho con.

Trong khi đó, đáng lo ngại là đối tượng lây nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa trong nhóm 20-39 tuổi (chiếm 70,3%), chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục chiếm ưu thế. Do lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng nên số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV cũng gia tăng. Cụ thể, năm 2001, trên địa bàn thành phố có 20,5% số người nhiễm HIV là nữ giới. Năm 2014, con số này tăng lên 38%.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, trong quý I năm 2015, phát hiện 37 người nhiễm HIV mới, nâng tổng số người nhiễm HIV được phát hiện lên 1.825 người. Trong đó, 789 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, hơn 443 người tử vong do AIDS. Hiện nay, các xã, phường tại Đà Nẵng đều đã phát hiện có người nhiễm HIV.

Toàn thành phố hiện có gần 600 trường hợp nhiễm HIV còn sống và gần 280 trường hợp đang được điều trị ARV tại hai phòng khám ngoại trú người lớn và trẻ em. Năm 2014, Đà Nẵng đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho hơn 12.000 lượt phụ nữ mang thai, phát hiện 17 trường hợp nhiễm HIV. Dù vậy, do triển khai hiệu quả nhiều biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên Đà Nẵng không có trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị lây nhiễm HIV trong 2 năm qua.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy cho biết, để tiến tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong năm 2015, đặc biệt trong tháng 6 này - tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Đà Nẵng tập trung công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; cung cấp có chất lượng các hoạt động về chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Bài và ảnh: MẬN LÊ

.