Y tế - Sức khỏe

Cứu sống... người chết

07:22, 10/06/2015 (GMT+7)

Bệnh viện Đà Nẵng đưa vào ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (gọi tắt là Ecmo), một phương pháp cao nhất và mới nhất trong hồi sức tích cực tại Việt Nam hiện nay, nhờ đó đã có 2 bệnh nhân được cứu sống.

Bệnh nhân Huỳnh Bá Phúc hồi tỉnh sau 7 ngày được sử dụng Ecmo.
Bệnh nhân Huỳnh Bá Phúc hồi tỉnh sau 7 ngày được sử dụng Ecmo.

Trong tháng 4-2015, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 2 trường hợp viêm phổi cấp và viêm cơ tim cấp ở mức độ nghiêm trọng, với tình trạng huyết áp tụt, hôn mê sâu và ngưng tim hoàn toàn. Thông thường, nguy cơ tử vong của những ca bệnh này là 100%.

Trở về từ cõi chết

Ngày xuất viện, Huỳnh Bá Phúc (bệnh nhân 17 tuổi đến từ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) viết một bức “tâm thư” gửi các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đà Nẵng bày tỏ niềm hạnh phúc khi được… sống lại.

Tối 14-4, Phúc được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng huyết áp tụt, hôn mê sâu do nhiễm cúm AH3 gây bội nhiễm phổi với biến chứng suy hô hấp tiến triển. Kết quả chụp phổi cho thấy cả hai lá phổi bị tổn thương nặng, chỉ số oxy hóa xuống thấp. Để cứu sống Phúc, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật Ecmo theo phương pháp tĩnh mạch - tĩnh mạch (V-V-Ecmo) kết hợp siêu lọc máu. Sau 7 ngày dùng Ecmo và một vài ngày điều trị tiếp theo, Phúc không dám tin mình đã khỏe mạnh dù đó là sự thật.

Chạy Ecmo, cơ thể Phúc hoàn toàn hoạt động nhân tạo, trong khi não có lúc mê lúc tỉnh. Do đó, nhiều lúc Phúc thực sự sợ hãi vì không biết mình đang sống hay không và thân thể mình hiện “trôi” về đâu.
Ra viện, Phúc được tập thể bác sĩ tặng món quà nhỏ là một cây bút, với hy vọng Phúc sẽ học thật giỏi và viết nên ước mơ của cuộc đời mình trong hành trình phía trước.

Thời điểm Phúc xuất viện cũng là lúc Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam 23 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Nam, bị viêm cơ tim cấp và ngưng tim trong suốt… 3 giờ đồng hồ. Sau 5 ngày chạy Ecmo theo phương pháp tĩnh mạch-động mạch (V-A-Ecmo), bệnh nhân được cai Ecmo, tim đập trở lại, huyết áp ổn…

Kỹ thuật hoàn toàn mới tại Việt Nam

Đoạn phim ghi lại quá trình giành lại sự sống cho bệnh nhân ngưng tim trên cho thấy, Ecmo là kỹ thuật y tế cực kỳ cao, đòi hỏi không chỉ tay nghề giỏi mà cần phải có một ekip hùng hậu tham gia vào một trường hợp.

Có 20 y bác sĩ cùng lúc can thiệp một ca chạy Ecmo. Bên cạnh đó là một “rừng” máy móc làm chức năng thay thế nội tạng cơ thể để các bộ phận thật bên trong bệnh nhân được “tạm nghỉ”.

TS, BS Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết Ecmo được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp do nhiều nguyên nhân, khiến phổi mất hết chức năng trao đổi oxy, làm cơ thể suy sụp, suy đa tạng và tử vong rất nhanh; đồng thời áp dụng cho các bệnh lý về tim như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim làm tim không hoạt động được, không thể tạo máu tươi đi nuôi cơ thể.

Trước đây, chưa có kỹ thuật Ecmo, những trường hợp trên được thở máy hoặc dùng thuốc. Những phương pháp này nếu không đáp ứng thì đồng nghĩa với việc bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, nhờ có Ecmo, bác sĩ sẽ cho tim và phổi thật của người bệnh “tạm nghỉ”, bệnh nhân sống hoàn toàn nhân tạo. Trong lúc đó, Ecmo làm thay chức năng của phổi hoặc tim, hoặc cả phổi và tim.

Thời gian tim, phổi “tạm nghỉ” có thể kéo dài đến 21 ngày. Tuy nhiên, các bác sĩ luôn mong muốn bệnh nhân sớm hồi phục để được cai máy càng nhanh càng tốt.

Hiện nay, kỹ thuật Ecmo chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. TS, BS Nhân hy vọng trong tương lai, khi phương pháp này được sử dụng thường xuyên và hiệu quả cao, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đưa kỹ thuật này vào danh mục đồng chi trả, để người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo có thêm nhiều cơ hội được cứu sống.

Bài và ảnh: THU HOA

.