Y tế - Sức khỏe

Ứng dụng y học hạt nhân trong y tế

07:30, 19/10/2015 (GMT+7)

Y học hạt nhân (YHHN) là một chuyên ngành của y học, có tính ứng dụng cao và hiệu quả, đặc biệt cần thiết trong thời đại hiện nay. Thông qua việc sử dụng các đồng vị phóng xạ, YHHN được sử dụng để chẩn đoán, điều trị bệnh và nghiên cứu y học.

Bệnh viện Đà Nẵng ứng dụng các kỹ thuật YHHN trong chẩn đoán và điều trị các bệnh.
Bệnh viện Đà Nẵng ứng dụng các kỹ thuật YHHN trong chẩn đoán và điều trị các bệnh.

Hiệu quả trong điều trị bệnh ung thư

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là một trong những căn bệnh phổ biến, gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam, riêng khu vực miền Trung, mỗi năm có hơn 20.000 người mắc mới căn bệnh này.

Xuất phát từ thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, ngày 10-9-2014, Trung tâm YHHN và xạ trị đã được khánh thành và đi vào hoạt động tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, trang bị máy gia tốc 13 MeV sản xuất đồng vị phóng xạ và tổ hợp các thiết bị hiện đại khác như: máy chẩn đoán PET/CT và SPECT/CT phục vụ chẩn đoán, chữa bệnh ung thư cho bệnh nhân trên địa bàn thành phố và khu vực. Dự án đã đưa vào sử dụng hơn 1 năm và cho hiệu quả.

Bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Hồ Đắc Hạnh cho biết, hiện nay Trung tâm YHHN và xạ trị đã sản xuất được 1 hệ thống dược phóng xạ, chất này khi đưa vào cơ thể người bệnh đang mắc bệnh ung thư, thông qua máy PET tầm soát cơ thể sẽ phát hiện được các tế bào ung thư, nhờ đó có thể chẩn đoán sớm bệnh ung thư cho các bệnh nhân. Ngoài ra, sau điều trị, máy PET lại hỗ trợ kiểm tra một lần nữa xem các tế bào ung thư này có tồn tại trong cơ thể bệnh nhân hay không để có phương pháp điều trị tiếp.

Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, YHHN cũng được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư thông qua việc chụp SPECT/CT toàn thân, chụp xạ hình Tc99m-sestamibi chẩn đoán ung thư, xạ hình hệ lympho và sử dụng đầu dò gamma phát hiện hạch gác trong phẫu thuật ung thư vú, xạ hình xương phát hiện di căn xương. Ngoài ra, YHHN còn hỗ trợ điều trị các bệnh về thận-tiết niệu, gan, mật và dạ dày-ruột, nội tiết, thần kinh, xương-khớp…

ThS, BS Hoàng Đức Dũng, Trưởng khoa YHHN, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, dựa vào các hoạt động chuyển hóa bình thường hoặc thay đổi bệnh lý, người ta cho các nguồn phóng xạ vào các tổ chức đích bị bệnh để điều trị. Điều trị YHHN trong bệnh lý tuyến giáp, các loại khối u nguyên bào thần kinh, bệnh đa hồng cầu nguyên phát vô căn, khớp, giảm đau trong ung thư di căn xương, tắc mạch trong điều trị ung thư gan… Đến nay, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã chẩn đoán bằng các kỹ thuật YHHN cho khoảng 10.000 lượt bệnh nhân, điều trị bằng dược chất phóng xạ cho khoảng 1.000 lượt bệnh nhân.

Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ bức xạ

Có thể nói, với các thành tựu về hình ảnh và kỹ thuật xạ trị trong điều trị ung thư, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương, khớp… của YHHN nói riêng và năng lượng nguyên tử (NLNT) nói chung đã và đang được các bệnh viện, trung tâm y tế sử dụng phổ biến.

Theo ThS, BS Hoàng Đức Dũng, YHHN rất cần thiết trong việc tầm soát và điều trị bệnh, vì vậy, trong tương lai, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh việc phát triển các kỹ thuật YHHN trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư và ung bướu nói chung. Đồng thời, mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, hợp tác với các tổ chức trong nước và khu vực về lĩnh vực YHHN.

Theo Sở KH&CN, thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng NLNT, sở sẽ tham mưu UBND thành phố đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ bức xạ. Hiện nay, UBND thành phố đã cấp đất, phê duyệt quy hoạch Dự án Viện Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng. Khi Viện này thành lập, Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chiếu xạ vào trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế.

Song song, Sở KH&CN sẽ đẩy mạnh hợp tác chuyển giao các công nghệ; tăng cường đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực an toàn bức xạ, ứng phó sự cố bức xạ, làm chủ các công nghệ bức xạ; đầu tư trang thiết bị; khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ NLNT…

Theo Sở KH&CN, Đà Nẵng đang trở thành một trong những Trung tâm Ứng dụng NLNT của miền Trung và cả nước. Qua khảo sát, Đà Nẵng có nhiều loại hình ứng dụng NLNT vào trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phân tích an ninh, kiểm tra chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực X-quang y tế, YHHN và xạ trị. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 68 cơ sở bức xạ, 193 nguồn bức xạ đang sử dụng với hơn 300 nhân viên bức xạ.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.