Y tế - Sức khỏe
Hiệu quả truyền thông phòng, chống HIV
Giáo dục truyền thông được Đà Nẵng xem là một trong những hoạt động then chốt, góp phần kiểm soát tốt và giảm đến mức thấp nhất số người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, để hoạt động này hiệu quả hơn, cần nhiều giải pháp tích cực.
Chăm sóc dự phòng đối với các bà mẹ ngay từ khi mang thai giúp trẻ tránh nguy cơ bị nhiễm các bệnh khác. (Ảnh mang tính minh họa) |
Chị L.H (33 tuổi, nhân viên kế toán cho một công ty ở quận Ngũ Hành Sơn) đang có thai 5 tháng. “Phát hiện mình có thai lúc đang bị nhiễm HIV, tôi rất bi quan mặc dù được chồng động viên rất nhiều. Sau đó, tôi được các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi tư vấn và khuyên cần có giải pháp chăm sóc dự phòng sớm để bé thoát khỏi nguy cơ nhiễm bệnh”, chị H. nói.
Không chỉ chị H. mà nhiều phụ nữ khác khi phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, họ được điều trị dự phòng ngay từ khi thai được 14 tuần tuổi; được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ tại điểm cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố Đà Nẵng.
Theo các bác sĩ, nếu 100 bà mẹ nhiễm HIV được điều trị và chăm sóc dự phòng sớm, đầy đủ và đúng cách thì chỉ có khoảng 2-4 trẻ sinh ra nhiễm HIV, nghĩa là có tới 96 trẻ hoặc nhiều hơn nữa được bảo vệ, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Thậm chí, nếu điều trị trong giai đoạn đầu của thai nghén thì khả năng lây truyền trực tiếp từ mẹ sang con có thể không xảy ra. Vì thế, chủ động xét nghiệm sớm khi mang thai vẫn là biện pháp tốt nhất để kiểm soát lây truyền HIV sang con.
Thời gian qua, ngành y tế Đà Nẵng đã chủ động triển khai chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hiểu về HIV/AIDS; mở rộng các dịch vụ tiếp cận, đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế địa phương, quản lý phụ nữ mang thai tư vấn, xét nghiệm HIV…
Tuyên truyền phòng, chống HIV cho phụ nữ đang tuổi sinh đẻ chỉ là một trong những hoạt động mà Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố và các ngành, địa phương phối hợp thực hiện trong thời gian qua. Cộng đồng dân cư và nhóm hành vi nguy cơ cao như: đối tượng nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV, gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ… đã được thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, tiếp cận, tư vấn trực tiếp.
Ngoài ra, qua các hoạt động của phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư”, người dân có nhiều thông tin và hiểu biết để phòng chống HIV/AIDS. Đặc biệt, nhận thức và thái độ của người dân đối với người mắc bệnh HIV/AIDS có sự thay đổi đáng kể, giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt, xa lánh.
Bên cạnh đó, không chỉ tập trung truyền thông, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố còn thực hiện tốt giám sát hoạt động chương trình phòng chống HIV tại các quận, huyện, phường, xã về các nội dung như: truyền thông, tiếp cận với cá nhân, truyền thông nhóm, thăm hộ gia đình...
Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, thời gian đến, ngành y tế, mà trực tiếp là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với mục tiêu: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,15%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, để đạt được mục tiêu trên, thời gian đến, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông để mọi người dân hiểu rõ về tác hại bệnh HIV, từ đó điều chỉnh hành vi và biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm; đồng thời không phân biệt đối xử, kỳ thị với người bệnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để cùng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS.
Bài và ảnh: LÊ MẬN