Y tế - Sức khỏe

Thông tuyến khám chữa bệnh từ ngày 1-1-2016

Bệnh viện ra sức hút bệnh nhân

07:51, 28/12/2015 (GMT+7)

Từ ngày 1-1-2016, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) giữa các bệnh viện tuyến quận, huyện trên cùng địa bàn thành phố sẽ được thông với nhau. Như vậy, người bệnh dù đăng ký KCB BHYT ban đầu tại quận, huyện nào cũng có thể đến cơ sở y tế cấp quận, huyện khác để khám và điều trị mà vẫn được giữ nguyên quyền lợi.

Vì thế, sẽ có sự biến động về lượng bệnh nhân giữa các bệnh viện nên bệnh viện tuyến quận, huyện đang phải ra sức thu hút người bệnh, cũng như cố gắng “làm mới mình” để “khách hàng” không đổ sang nơi khác.

Các bệnh viện tuyến quận, huyện tự đổi mới để thu hút bệnh nhân. Ảnh: THU HOA
Các bệnh viện tuyến quận, huyện tự đổi mới để thu hút bệnh nhân. Ảnh: THU HOA

Bệnh nhân hưởng lợi

Giám đốc các bệnh viện tuyến quận, huyện tại Đà Nẵng đều cho rằng, Thông tư số 40/2015 của Bộ Y tế quy định về việc thông tuyến quận, huyện trong cùng địa bàn thành phố, không phân biệt địa giới hành chính đã mở ra rất nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Trước đây, người bệnh có thẻ BHYT chỉ có thể đến tại nơi đăng ký KCB ban đầu; còn nếu tự đến các cơ sở khác, dù ngang cấp quận, huyện đều bị xếp vào đối tượng trái tuyến nên ảnh hưởng quyền lợi khi thanh toán BHYT. Tuy vậy, từ ngày 1-1-2016, người bệnh có quyền đến bất kỳ cơ sở nào nằm trong nhóm bệnh viện thông với nhau và cũng sẽ đều được thanh toán BHYT như nhau.

Bên cạnh quyền lợi thấy rõ, cơ quan giám sát BHYT và lãnh đạo các bệnh viện cũng nêu một thực tế, là dựa vào quy định mới này có thể nảy sinh sự “trục lợi” ở một số người, nếu ngành y tế không thực sự quản lý được từng trường hợp KCB.

Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, từng phát hiện có người đi khám BHYT trên… 150 lần tại 1 bệnh viện trong 9 tháng đầu năm. Đáng nói hơn, người bệnh này cũng cấp cứu và nhận thuốc hàng trăm lần trong 9 tháng đó tại những bệnh viện khác.

Giám đốc một bệnh viện tuyến quận cũng thừa nhận: Có biết bệnh nhân này nhưng chưa biết cách làm sao khắc phục những trường hợp tương tự, bởi bệnh nhân đến với bệnh lý rõ ràng thì phải tiếp nhận. Một lãnh đạo bệnh viện khác cho biết, có khi người bệnh đi khám một ngày tới… vài lần nhưng cũng không bị phát hiện.

Sở dĩ có tình trạng “bệnh nhân” dễ dàng đi khám bệnh BHYT với số lần nhiều bất thường do các bệnh viện hiện chưa triển khai hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quản lý chặt chẽ về người bệnh. Mỗi bệnh viện tự quản lý bằng cách riêng của mình, không đồng nhất và không liên kết với nhau trong cùng hệ thống, nên trước thông tuyến, bệnh nhân đã có thể “tận dụng” triệt để thẻ BHYT thì khi chính thức thông tuyến, việc trục lợi sẽ còn thuận lợi hơn.

Chẳng hạn, bệnh nhân C. có thể khám ở bệnh viện này xong lại sang khám ở bệnh viện khác. Như vậy, bệnh nhân C. đã có được… 2 lần thuốc trong cùng một buổi.

Ngày chính thức thông tuyến đã cận kề, nhưng đến nay các bệnh viện vẫn chưa kịp chuẩn bị cơ sở hạ tầng về CNTT, bảo đảm việc quản lý KCB và thanh toán BHYT qua mạng điện tử.

Bệnh viện phải “tự khẳng định mình”

Việc thông tuyến cũng đồng nghĩa các bệnh viện không thể nghiễm nhiên thu nhận bệnh nhân theo đúng lượng phân bố đầu thẻ BHYT. Người bệnh sẽ chọn nơi phục vụ chất lượng hơn và phù hợp với nơi cư trú.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, dự kiến khi thông tuyến, Bệnh viện đa khoa Sơn Trà có thể mất đi một số bệnh nhân nhưng đồng thời có thể được tiếp nhận thêm những bệnh nhân từ các nơi khác.

Bệnh viện đã có sự chuẩn bị để điều tiết uyển chuyển. Mỗi ngày, bệnh viện khám từ 700-800 bệnh nhân. Trong trường hợp lượng người đông hơn trước đây, bệnh viện sẽ tăng từ 12 phòng khám hiện tại lên 15 phòng khám.

Bác sĩ Trần Thiện Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ cho rằng, đây chính là lúc các bệnh viện phải tự khẳng định mình. Bệnh viện củng cố lại các phòng khám, quy trình tiếp nhận bệnh tinh gọn và hiệu quả hơn, triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý và quan trọng nhất là phải làm sao nâng cao chất lượng KCB.

Trong cuộc đua thu hút bệnh nhân, các bệnh viện quận, huyện đều đồng loạt triển khai khám BHYT ngày nghỉ. Đà Nẵng có 41 cơ sở đăng ký KCB BHYT, nhưng đến nay mới chỉ có 7 bệnh viện thực hiện khám BHYT ngày nghỉ (trong đó có 4 bệnh viện tư và 3 bệnh viện công lập).

Tuy vậy, trong 7 bệnh viện này cũng chỉ có Bệnh viện Phụ sản-Nhi là thực hiện khám BHYT 365/365 ngày, còn các cơ sở y tế khác chỉ khám thứ bảy hoặc thứ bảy, chủ nhật nhưng trừ ngày lễ.

Trong các bệnh viện quận, huyện, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn là đơn vị đầu tiên khám BHYT vào ngày nghỉ kể từ ngày 1-1-2016.

Dù đưa ra nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng sự hài lòng cho người bệnh, nhưng riêng việc áp dụng đọc mã vạch 2 chiều thẻ BHYT - một công cụ giúp tiết kiệm thời gian và quản lý thông tin bệnh nhân bằng CNTT thì toàn thành phố vẫn mới chỉ có 8 bệnh viện công lập triển khai phương tiện này, trong khi mục tiêu của Bảo hiểm xã hội thành phố là phủ sóng 100% đọc mã vạch 2 chiều vào cuối năm 2015.

Giá thành máy đọc mã vạch chỉ vài triệu đồng/chiếc, nhưng do chưa có cơ sở hạ tầng CNTT tốt nên đến nay nhiều bệnh viện vẫn chưa thể đưa vào sử dụng thiết bị này.

THU HOA

.