Y tế - Sức khỏe

Y tế đồng thanh kêu khó

08:05, 25/12/2015 (GMT+7)

Tất cả 29 bệnh viện, trung tâm, chi cục thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở Y tế Đà Nẵng đồng loạt kêu về tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp và khủng hoảng nhân lực chuyên môn cao. Trong khi đó, trước câu hỏi vì sao quy mô dân số Đà Nẵng chỉ có 1 triệu người, nhưng dù mỗi năm thành phố liên tục cho tăng giường bệnh, tăng nhân lực, mở rộng khám chữa bệnh mà vẫn bị kêu thiếu mãi thì ngành Y tế chưa thể trả lời được.

Các bệnh viện đều kêu bệnh nhân ngày càng đông nhưng bác sĩ lại khó thu hút.
Các bệnh viện đều kêu bệnh nhân ngày càng đông nhưng bác sĩ lại khó thu hút.

Đó là nội dung buổi làm việc kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ vào chiều tối qua (24-12) giữa Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng với toàn ngành Y tế và lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Thiếu quy hoạch tổng thể nên mạnh ai nấy kêu

Đà Nẵng hiện có 29 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế quản lý, trong đó có 9 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 7 bệnh viện quận, huyện và 13 trung tâm, chi cục với tổng quy mô 6.000 giường bệnh. Nếu tính tất cả bệnh viện bộ, ngành và cơ sở y tế tư nhân đóng trên địa bàn thì số giường bệnh có thể đạt 8.000 giường.

Tuy vậy, từ bệnh viện quận, huyện đến bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện tuyến thành phố, kể cả các trung tâm, chi cục đều cho rằng đang bị quá tải và cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Hầu hết mặt tiền của các cơ sở y tế đều khang trang nhưng bên trong thì nhiều chỗ đang... chờ sập.

Nhiều nơi do được xây dựng từ lâu nên cũ kỹ, chật hẹp. Việc nâng cấp cũng được làm chắp vá theo kiểu làm tới đâu hay tới đó, dẫn đến chất lượng công trình không đồng nhất.

Trung tâm cấp cứu 115 còn rơi vào tình cảnh ở nhờ và... ở ngoài đường, khi trụ sở chính tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu không được tận dụng triệt để do bất tiện về khoảng cách, trong khi vị trí lý tưởng thì vẫn phải chờ bố trí.

Đáng nói hơn, Bệnh viện Ung Bướu là cơ sở mới nhất, vừa được đưa vào sử dụng cách đây không lâu nhưng đã xảy ra thấm dột nghiêm trọng tại khu Y học hạt nhân và Kiểm soát chống nhiễm khuẩn. Chỗ để xe bệnh nhân và công trình nhà vệ sinh của các cơ sở y tế càng là vấn đề nhức nhối của toàn ngành.

Thêm vào đó, việc đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện Ung Bướu hiện còn nhiều nan giải. Trong khi thiết bị mới chưa được trang bị đồng bộ, thì các máy móc được sử dụng mấy năm qua, giờ hết hạn bảo hành, tới thời điểm duy tu nhưng bệnh viện chưa tìm ra giải pháp cho số tiền sơ bộ hơn 9 tỷ đồng bảo dưỡng thiết bị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng chỗ nào cũng thấy thiếu, đụng đâu cũng thấy yếu là vì thiếu quy hoạch tổng thể của toàn ngành để có giải pháp căn cơ. Nếu chỗ nào kêu cũng đáp được ứng ngay thì không thể làm xuể và chưa chắc đã hiệu quả. Một thành phố có quy mô 1 triệu dân mà chừng ấy cơ sở y tế vẫn thiếu thì khó hiểu quá.

Như vậy chừng nào mới đủ? Việc người ngoại tỉnh đổ đến Đà Nẵng khám chữa bệnh là một lý do cho tình trạng quá tải, xuống cấp, nhưng cái chính vẫn phải có sự điều tra, khảo sát con số thực tế người bệnh đến với từng bệnh viện qua từng năm cụ thể.

Chẳng hạn mỗi năm qua, bệnh viện A thu nhận bao nhiêu bệnh nhân, nhóm bệnh, độ tuổi và con số này chênh lệch qua các năm như thế nào, có thay đổi một cách đột biến không, hay chỉ biến động bình thường thì Sở Y tế phải làm cho rõ vấn đề. Từ đó mới có sự đầu tư thích đáng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Y tế xác định lại toàn bộ nhu cầu cơ sở vật chất, quỹ đất, giường bệnh, nhân lực, đào tạo để đưa ra quy hoạch tổng thể cho thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Để thực hiện việc thành lập Trung tâm kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, trên cơ sở sáp nhập 10 trung tâm và chi cục trên địa bàn Đà Nẵng, ông Dũng giao Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan sớm xây dựng kế hoạch và trình tiến độ để lãnh đạo thành phố theo dõi. Hiện tại, Trung ương đã đồng ý cấp 60 tỷ đồng cho công trình này.

Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm tuyển nhân sự

Không chỉ bệnh viện tuyến quận, huyện mới thiếu bác sĩ, các chi cục, trung tâm y tế và bệnh viện chuyên khoa càng khủng hoảng nhân lực trầm trọng khi bác sĩ nếu có về cũng chỉ được vài ba bữa lại ra đi. Đến cả cơ quan Sở Y tế cũng than thiếu người.

10 năm qua, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Giám định y khoa… hầu như chỉ chứng kiến cảnh bác sĩ ra đi chứ không mấy khi được đón bác sĩ về.

Bệnh viện Lao và Phổi chỉ có 7 bác sĩ trực tiếp điều trị cho 120 giường bệnh thực kê nên các bác sĩ đều phải làm thêm ngoài giờ. Cử nhân tâm lý về Bệnh viện Tâm thần lại chưa có một “danh phận” cụ thể nên thu nhập chưa tương xứng với công sức lao động.

Ở nhiều cơ sở y tế, việc tuyển được bác sĩ lâm sàng là điều... xa xỉ nên phải tuyển bác sĩ dự phòng, y tế công cộng nhưng cũng không xong. Có nơi, bác sĩ thà chịu gửi lại tiền hỗ trợ ban đầu để chọn bến đỗ khác. Với các trung tâm có thể tuyển được người làm công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng chế độ hỗ trợ quá nhỏ giọt nên khó giữ chân và càng khó thu hút.

Giám đốc các bệnh viện đề xuất nên giao nguồn bác sĩ cho Sở Y tế, để từ đó phân bổ về từng đơn vị theo nhu cầu. Trong khi đó, ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, khẳng định: Sở Nội vụ trao quyền phân bổ cán bộ cho Sở Y tế chứ không can thiệp vào việc tuyển dụng của từng bệnh viện.

Ông Chánh còn cho biết thêm, việc tinh giản biên chế được thực hiện bắt buộc trên cả nước, nhưng riêng ngành Y tế được ưu tiên hơn, khi chỉ tinh giản bộ phận gián tiếp, còn bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh thì hiện không hạn chế số lượng.

Thêm vào đó, năm 2016, toàn thành phố được cấp 16 tỷ đồng cho công tác đào tạo, trong đó riêng ngành Y tế đã được trên 950 triệu đồng. Điều này cho thấy, vấn đề nhân lực và đầu tư cho nhân lực y tế luôn được ưu ái. Các tiêu chuẩn để cán bộ y tế được đi đào tạo cũng sẽ thay đổi theo hướng mở rộng điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bác sĩ đi học nâng cao nghiệp vụ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng giao cho ngành y tế chủ động về nhân sự, thành phố chỉ đưa ra chỉ tiêu, tiêu chuẩn, còn đích thân giám đốc các bệnh viện phải tự tuyển người. “Tuyển được thì tốt, không tuyển được, đừng kêu! Theo khảo sát của Sở Nội vụ, ngành Y tế đã tiếp nhận vượt trên 700 người, nhưng vẫn bảo thiếu, rốt cuộc là thiếu bao nhiêu?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Có tiền nhưng xài... không hết

Trong khi các cơ sở y tế kêu khó trong việc mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất thì lãnh đạo Sở Tài chính lại khẳng định: Ngân sách cho ngành Y tế các năm qua đều dư, dùng không hết phải trả lại.

Theo Sở Tài chính, các năm qua ngành Y tế để dư tiền mua sắm thiết bị mỗi năm vài tỷ đồng. Lý do là việc trình kế hoạch mua sắm khá chậm. Năm 2016, riêng tiền mua sắm trang thiết bị cho y tế sẽ được ngân sách chi gấp đôi năm trước với 20 tỷ đồng và sẽ được cấp ngay từ ngày 1-1. Do đó, vấn đề còn lại chỉ là Sở Y tế phải lên danh sách thiết bị cần mua theo thứ tự ưu tiên, tránh để... tiền dư.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo ngành tích cực hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện tự chủ về kinh phí và nhân lực thay vì “đi xin cơ chế tự chủ”. Từ năm 2016, các bệnh viện sẽ “tự sống” nên anh nào tự đầu tư được nhiều, máy móc, nhân lực tốt hơn thì mới có thể tự tạo vị trí tốt cho chính mình.

Bài và ảnh: THU HOA

.