Y tế - Sức khỏe

Nghiên cứu khoa học phục vụ điều trị bệnh

07:58, 17/12/2015 (GMT+7)

Rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí cho bệnh nhân, đặc biệt là tăng khả năng cứu sống người bệnh… là những hiệu quả thực tế mà đề tài nghiên cứu khoa học về các biện pháp lọc máu hiện đại (đề tài cấp Nhà nước) do TS, BS Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đà Nẵng mang lại. Các phương pháp lọc máu hiện đại từ đề tài đã được Bộ Y tế công nhận là biện pháp tối ưu trong điều trị các bệnh về suy đa tạng.

Bệnh nhân được lọc máu tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân được lọc máu tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Xuất phát từ thực tiễn

Hội chứng suy đa tạng (MODS) chỉ hiện tượng rối loạn chức năng ở nhiều cơ quan và thường là biểu hiện cuối cùng của rất nhiều bệnh lý khác nhau như nhiễm khuẩn, sốc, viêm tụy cấp hoại tử, đa chấn thương, bỏng nặng...

Nếu như trước đây các bệnh nhân bị suy đa tạng chỉ được điều trị nội khoa đơn thuần như thở máy và dùng các loại thuốc kháng sinh thì giờ đây có thể thay bằng các phương pháp lọc máu, lọc bỏ từ từ các chất độc trong cơ thể để cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ Nhân cho biết, để điều trị các bệnh lý liên quan đến suy đa tạng phải dùng đến hệ thống máy móc hiện đại với kỹ thuật cao, chi phí lớn. Ngoài ra, khi bệnh nhân có dấu hiệu của suy đa tạng nếu không điều trị kịp thời với các kỹ thuật tiên tiến thì tỷ lệ tử vong rất cao.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, bác sĩ Nhân cùng các cộng sự quyết tâm nghiên cứu và ứng dụng đề tài này vào thực tiễn nhằm tăng khả năng cứu sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nhân đưa ra dẫn chứng, nếu bệnh nhân bị suy đa tạng và có kèm theo suy thận thì phương pháp áp dụng cuối cùng là chạy thận nhân tạo.

Song, khi chạy thận ở thời điểm này, bệnh nhân rất dễ bị tụt huyết áp dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp lọc máu sẽ thay thế cho biện pháp chạy thận nhân tạo để làm giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Nhân, hiệu quả của các phương pháp lọc máu hiện đại này còn thể hiện ở chỗ giảm số ngày điều trị, số ngày sử dụng thuốc và các chi phí kỹ thuật cho bệnh nhân. Khi thời gian nằm viện được rút ngắn thì các chi phí về ăn uống, đi lại, tiền giường… bệnh nhân phải chi trả cũng giảm đi đáng kể.

Có thể nói, việc giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân và đặc biệt tăng khả năng cứu sống người bệnh là hiệu quả thực tế nhất từ đề tài khoa học nghiên cứu về các phương pháp lọc máu đem lại.

Thêm nhiều cơ hội cho bệnh nhân

Nếu như trước đây, các bệnh lý liên quan đến suy đa tạng có tỷ lệ tử vong cao (từ 80-90%), thì nay với việc áp dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại, tỷ lệ đó đã giảm đáng kể, chỉ còn dưới 30%. Một trong những hiệu quả nữa khi sử dụng phương pháp này là tính an toàn, gần như không có biến chứng nặng xảy ra khi điều trị và các bệnh nhân suy đa tạng cũng được bảo hiểm y tế đồng ý chi trả.

Theo bác sĩ Nhân, việc ứng dụng các phương pháp lọc máu hiện đại vào quá trình điều trị bệnh còn cho bệnh nhân thêm nhiều cơ hội trong điều trị những bệnh lý phối hợp. Ví dụ như điều trị các bệnh liên quan trong mùa dịch sốt xuất huyết hay dịch tay chân miệng… thì lọc máu là biện pháp “cứu cánh” tốt nhất.

Lọc máu hiện đại là kỹ thuật còn khá mới mẻ. Tại Việt Nam, Bệnh viện Đà Nẵng là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước áp dụng kỹ thuật này. Kết quả bước đầu cho thấy các phương pháp lọc máu đã góp phần cứu sống được nhiều bệnh nhân suy đa tạng mà trước đây gần như thất bại nếu chỉ điều trị nội khoa đơn thuần.

Hầu hết các bệnh nhân bị suy đa tạng từ các tỉnh, thành lân cận như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng đều được cứu chữa kịp thời. “Việc ứng dụng các phương pháp lọc máu hiện đại đã làm thay đổi hẳn liệu trình điều trị bệnh. Có thể nói, thành công trên là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống tập thể y, bác sĩ bệnh viện”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.

Ngoài đề tài nghiên cứu về các biện pháp lọc máu hiện đại, bác sĩ Nhân còn tham gia nghiên cứu các đề tài cấp bộ và chủ nhiệm các đề tài cấp thành phố như: “Can thiệp dựa trên bằng chứng bao gồm chương trình quản lý kháng sinh nhằm giảm gánh nặng về kháng sinh tại các bệnh viện ở Việt Nam” (Đề tài cấp bộ); “Nghiên cứu hiệu quả của lọc máu tĩnh mạch - tĩnh mạch liên tục trong điều trị bệnh nhân suy đa tạng”; “Đánh giá hiệu quả điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp trong vòng 4, 5 giờ đầu bằng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch Alteplase” (đề tài cấp thành phố)...

Bài và ảnh: Thanh Tình

.