Y tế - Sức khỏe

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Đến hẹn lại lên

07:47, 10/12/2015 (GMT+7)

Tổng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên toàn thành phố đang giảm, nhưng quận Sơn Trà trở thành “điểm nóng” về dịch bệnh. Cụ thể, trong 3 tuần gần đây, số người mắc SXH tại Sơn Trà tăng đều từ 41 lên 52 và 57 ca.

Một ổ lăng quăng được phát hiện sau nhà một hộ dân trên địa bàn phường An Hải Bắc.
Một ổ lăng quăng được phát hiện sau nhà một hộ dân trên địa bàn phường An Hải Bắc.

Nỗi buồn “con đường đất đỏ”

Có mặt trên “con đường đất đỏ” tại tổ 23, phường Phước Mỹ vào sáng 9-12, đoạn đường cách bãi biển du lịch nổi tiếng thành phố có vài bước chân (nơi trước đây từng tồn tại chợ Bà Kỷ), song chúng tôi phải liên tục né các ổ voi, ổ gà nhầy nhụa bùn nước dù mưa đã dứt cách 2 ngày.

Con đường này dài chừng 200 mét và theo những người dân sinh sống lâu năm tại đây thì đã mấy chục năm qua, đường vẫn lầy lội như vậy và không được đặt tên chính thức, ngoài tên thường gọi “đường đất đỏ”.

Hai bên đường là những bãi xà bần ngổn ngang bất chấp các biển báo màu đỏ “Cấm đổ rác, xà bần” cắm chơ vơ trên… đỉnh các bãi rác. Xen giữ nhà dân là những mảnh đất trống cỏ mọc cao quá đầu người cùng cây ngã đổ và cũng được cắm “bảng cấm” màu đỏ.

Ông tổ trưởng Nguyễn Văn Bê (54 tuổi), ngán ngẩm nói, bao nhiêu cuộc họp, kiến nghị, bao văn bản đề nghị rồi cũng không thấy đường tốt lên.

Trước đây, khu vực này nằm trong diện giải tỏa, nhưng nay dự án đã hủy thì phải làm đường cho dân đi lại và sinh hoạt.

Nước, rác cứ lẫn lộn quanh năm thế này thì sao không có muỗi được. Tuyên truyền bà con biết cách xử lý nước ứ đọng trong nhà để tránh lăng quăng, nhưng ngoài đường dơ dáy thế này thì môi trường chung làm sao sạch được?

Theo ông Bê, các biện pháp phun thuốc chỉ có tác dụng tạm thời, phải dọn dẹp môi trường cho thông thoáng mới lâu bền.

“Kêu gọi người dân ra quân vì môi trường xanh, sạch, đẹp thì cũng chỉ kêu được vài lần trong năm. Người dân vừa lo đi làm ăn kiếm sống, vừa dọn dẹp mà mình cũng đã hết giờ và đủ mệt, làm sao suốt ngày đi giải quyết các bãi đất “vô chủ”.

Bên cạnh đó, nói đất “vô chủ” là quá vô lý, khi người mua rõ ràng có kê khai tên tuổi với cơ quan chức năng. Chính quyền phải quyết liệt và ra tay xử lý môi trường ở những khu đất này chứ không thể chỉ kêu gọi tinh thần tự nguyện của nhân dân trong khu vực”, ông Bê nói.

“Nuôi” lăng quăng thì đừng mong hết dịch

Trong tuần từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, sốt xuất huyết trên toàn thành phố giảm 33 ca so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ cơ sở vững chắc khẳng định dịch không bùng phát trở lại. Số ca mắc thực tế vẫn còn rất cao, với 245 người/tuần, đưa tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 1.768 người, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua mùa dịch năm nay cho thấy rất nhiều mối nguy tiềm ẩn trong việc phòng dịch, từ phạm vi nhỏ như hộ gia đình đến không gian lớn hơn như khu dân cư.

Đứng ngay trong căn bếp nhà mình và chỉ cần với chân ra ngoài là ông Hà Đình Cách (K6/13 đường Phạm Văn Đồng) có thể chạm xuống… đường cống bì bõm nước đen ngòm và không hề có nắp đậy.

Đường cống này chạy men sau lưng nhà dân trong khu vực kéo theo cả rác thải. Biện pháp duy nhất ông Hà Đình Cách có thể làm nhằm “né” cống là đóng kín cửa. Việc xử lý hệ thống cống tại đây xem ra vẫn là “công trình lâu năm”, khi đã nhiều mùa dịch trôi qua vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Bên cạnh đó, một đặc điểm sinh hoạt đặc trưng tại Sơn Trà đó là dù ở phố nhưng nhiều người vẫn giữ nếp sống nông thôn, như tranh thủ chút đất trống trồng rau và nuôi gà.

Chính vì vậy, mặt tiền nhà khang trang chừng nào thì sau lưng lại lổn nhổn chuồng gà và nước đọng. Chum, vại, những công cụ làm nghề biển được người dân để quanh trong sân vườn cũng vô tình trở thành chỗ lý tưởng cho muỗi sinh sản.

Bài và ảnh: Thu Hoa

.