Đà Nẵng cuối tuần

Thịt bò nhân bản

Nhu cầu thực phẩm hay thảm họa môi trường?

08:58, 13/12/2015 (GMT+7)

Kế hoạch nhân bản bò để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt bò của người dân Trung Quốc có thể đẩy quốc gia đông dân nhất thế giới vào con đường nguy hiểm hơn về ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và sức khỏe con người.

Niu Niu, con bò biến đổi gen tại cơ sở thí nghiệm của Trường Đại học Bắc Kinh.
Niu Niu, con bò biến đổi gen tại cơ sở thí nghiệm của Trường Đại học Bắc Kinh.

Tập đoàn Abiotech tiết lộ kế hoạch xây dựng một cơ sở gần thủ đô Bắc Kinh cho mục tiêu nhân bản khoảng 1 triệu con bò nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người dân. Không chỉ dừng lại việc nhân bản bò, Abiotech còn có kế hoạch nhân bản ngựa đua, vật nuôi, thậm chí cả chó nghiệp vụ.

Một bộ phim tài liệu về ngành chăn nuôi ở Trung Quốc được chiếu rộng rãi hồi năm 2009 đã gióng hồi chuông cảnh báo về nhiều thứ: ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng (do sử dụng quá nhiều kháng sinh và hormone trong thức ăn gia súc), biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật.

Hồi chuông đó không đủ độ vang khi mà sản xuất và tiêu thụ thịt ở quốc gia đông dân nhất thế giới tăng chóng mặt để trở thành nước sản xuất thịt nhiều nhất thế giới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, năm 2014 Trung Quốc là nước sản xuất thịt bò nhiều nhất thế giới với 7 triệu tấn. Trung bình mỗi người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 60kg thịt mỗi năm, phần lớn là thịt heo, còn lại là thịt gà và thịt bò. Mức độ tiêu thụ này chỉ bằng một nửa của người Mỹ nhưng dân số Mỹ chỉ bằng 1/4 Trung Quốc nên suy ra lượng thịt bò tiêu thụ ở Trung Quốc gấp đôi Mỹ.

Trung Quốc được chờ đợi là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thế giới trong hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris (kết thúc vào ngày 11-12). Người dân Trung Quốc vô cùng thất vọng vì phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Trung Quốc buộc phải tăng cường chăn nuôi, nghĩa là tăng khả năng ô nhiễm môi trường bởi vì chăn nuôi sẽ tăng lượng khí thải methane, carbon dioxide và một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác nữa là nito oxide. Đây là loại khí có mức độ gây ô nhiễm gần 300 lần so với carbon dioxide.

Nếu Abiotech hiện thực hóa việc nhân bản bò thì thực sự là thảm họa. Những động vật nhân bản có nhiều gen giống nhau. Khi có dịch bệnh xảy ra, chúng rất dễ bị tấn công. Heo của Trung Quốc gần đây bị toàn thế giới giám sát chặt chẽ vì có chứa nhiều vi khuẩn kháng thuốc.

Nguyên nhân do người chăn nuôi sử dụng quá nhiều kháng sinh để chống lại bệnh tật và tăng trọng nhanh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể đẩy thế giới vào thời kỳ “hậu kháng sinh”.

Những loại kháng sinh lâu nay dùng để chữa những căn bệnh thông thường của con người có thể sẽ mất tác dụng. Nếu như Abiotech không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi bò nhân bản thì người dân Trung Quốc lâu nay đã phản đối lương thực biến đổi gen nên có thể hình dung những con bò nhân bản sẽ nhận sự phản đối mạnh mẽ hơn nữa.

Mất cân đối chăn nuôi và trồng trọt. Mất cân đối nằm ở chỗ Trung Quốc phải nhập khẩu quá lớn ngũ cốc. Nếu như trước đây, Trung Quốc sản xuất ngũ cốc đủ tiêu dùng trong nước thì trong năm 2013-2014 đã là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới với tổng cộng 70,4 triệu tấn; chủ yếu từ Mỹ và Brazil. Lượng bắp nhập khẩu cũng được nhận định tăng cao rất nhiều so với trước. Một số nhà máy chuyên chế biến đậu nành, bắp… đã thu hẹp diện tích và quy mô.

ANH THƯ (Theo Guardian)

.