Y tế - Sức khỏe
Người tiêu dùng vẫn ưa hàng ngoại
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được đẩy mạnh trong cả nước và bước đầu đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dược phẩm, tâm lý người dân chuộng thuốc ngoại hơn thuốc nội lâu nay vẫn tồn tại. Có thể thấy, nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ việc kê đơn thuốc ngoại của một bộ phận bác sĩ và sự đa dạng của thị trường tân dược.
Thị trường tân dược ngồn ngộn hàng nhập khẩu, nếu không có định hướng, người tiêu dùng sẽ dễ quên thuốc Việt. TRONG ẢNH: Thanh tra Sở Y tế thành phố kiểm tra một số nhà thuốc. |
“Cứ lấy thuốc ngoại cho tôi”
Tân dược - thường gọi là thuốc tây, là mặt hàng đặc biệt đối với người tiêu dùng. Không ai đi mua có thể trả giá hay thêm bớt vì liên quan đến bệnh lý, sức khỏe. Hiện nay, thị trường có quá nhiều sản phẩm cùng loại bệnh điều trị, nhưng được nhập khẩu tràn lan nên người tiêu dùng càng có thêm lựa chọn. Bắt nguồn từ suy nghĩ thuốc tây nước ngoài sản xuất mới tốt cho nên không ít bệnh nhân ráng chọn thuốc nhập ngoại.
Ngồi chờ xếp hàng vào khám cho con tại khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ), chúng tôi nghe một số bà mẹ sau khi được bác sĩ thăm khám cho trẻ nhỏ đã yêu cầu được kê đơn thuốc ngoại. “Con em bị tiêu chảy dài ngày mà không cầm được bác ơi. Mua thuốc uống mấy lần rồi, bệnh cháu vẫn chưa dứt. Bác nhớ cho loại thuốc nào tốt tốt ấy. Nhưng phải thuốc nước ngoài bác nhé…”, mẹ một bệnh nhi ở quận Thanh Khê nói.
Tại phòng khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Đà Nẵng) có rất đông người bệnh chờ khám. Một phụ nữ chừng hơn 50 tuổi được chẩn đoán đau nhức xương, khớp đã nói với bác sĩ: “Bác ơi, bác kê thuốc ngoại cho tôi nhé. Đắt cũng được nhưng tôi yên tâm hơn”.
Người bác sĩ trẻ đang dán mắt vào màn hình máy vi tính, vội giải thích nhẹ nhàng: “Bác đừng có nghĩ là thuốc ngoại mới tốt, hiện nay nhiều thuốc sản xuất ở Việt Nam có thể điều trị bệnh còn tốt hơn thuốc ngoại nữa bác à. Mà thuốc nội giá rẻ hơn, tội chi cứ phải dùng thuốc ngoại cho đắt…”. Vẫn không nghe lời khuyên của bác sĩ, bệnh nhân nọ cứ một mực yêu cầu phải kê đơn thuốc ngoại mới chịu.
Qua tìm hiểu ở các quầy thuốc tây, chúng tôi thấy giá thuốc ngoại bao giờ cũng đắt hơn vài chục đến cả trăm ngàn đồng so với thuốc nội. Nhiều quầy bán các loại dược phẩm có nguồn gốc từ các nước châu Âu, châu Mỹ…
Để người Việt dùng thuốc Việt
Cũng như nhiều ngành khác, Bộ Y tế đã có chiến dịch truyền thông người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam như chương trình “Con đường thuốc Việt” được triển khai từ vài năm nay nhằm kêu gọi cán bộ, nhân viên trong ngành y tế, đặc biệt trong các bệnh viện phải quan tâm tới thuốc chữa bệnh do Việt Nam sản xuất.
Qua một thời gian phát động chương trình “Con đường thuốc Việt”, Bộ Y tế đã bình chọn và công nhận hàng chục sản phẩm thuốc cũng như doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”. Thế nhưng, vì nhiều lý do, đa số các bệnh viện lớn trong cả nước cũng như các nhà thuốc đều có xu hướng sử dụng và bán thuốc nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tâm lý “đắt tiền là của tốt” hay “hàng ngoại mới tốt” của người dân lâu nay cũng khó thay đổi, cộng với sự gợi ý của người bán khiến cho thị trường thuốc nhập ngoại càng lấn át.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả hơn trong lĩnh vực y tế, nhiều ý kiến bày tỏ: Muốn người dân sử dụng thuốc nội theo tinh thần cuộc vận động, cần có một chính sách quản lý vĩ mô từ khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc. Nếu thuốc nội không nâng cao chất lượng sản phẩm, không chiếm lĩnh được thị trường, thì người bệnh vẫn sẽ không mặn mà với dược phẩm trong nước.
Bên cạnh đó, cần có quy chế khuyến khích để các thầy thuốc kê đơn thuốc trong nước bởi việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc vào bác sĩ. Công tác tuyên truyền cũng cần quan tâm nhằm tác động tâm lý người dân nên dùng thuốc nội.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những công trình nghiên cứu và bào chế được các loại thuốc chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh với hàng nước ngoài. Tại Đà Nẵng, Công ty CP Dược Danapha đã đầu tư xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm được chứng nhận và xuất khẩu đi nhiều quốc gia…
Bài và ảnh: Duyên Anh