Y tế - Sức khỏe

CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Trẻ em là để yêu thương

17:26, 29/04/2016 (GMT+7)

Tại Hội sách Hải Châu, một cậu bé khoảng 8 tuổi hét toáng lên: “Ghê quá!”, rồi vội đặt cuốn sách Giáo dục giới tính cho học sinh, con trai - con gái xuống. Đứng bên, mẹ cậu ôn tồn bảo: “Có sao đâu con, về cơ thể con mà, con nên đọc cho biết”. Bố cậu tiếp lời: “Mạnh dạn cầm đi con. Hồi nhỏ bố mẹ đều đọc mà”. Chần chừ mươi giây, cuối cùng cu cậu cũng “can đảm” cầm sách trước ánh mắt động viên của bố mẹ.

Tại một nơi khác, một cậu bé lớp 6 hỏi mẹ kinh nguyệt là gì thì liền bị mẹ gạt đi, dấm dúi: “Lớn chút nữa rồi biết!”.

Dù cánh cửa hội nhập đã mở từ lâu nhưng chuyện giáo dục giới tính cho thanh - thiếu nhi ở nước ta xem ra vẫn bị bỏ ngỏ, hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng vì thiếu hiểu biết.

Thông tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, từ năm 2011 đến tháng 6-2015, cả nước xảy ra 8.218 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng 98 vụ và 258 trẻ em bị xâm hại so với giai đoạn 2006-2010. Đáng lưu ý, trong số các loại tội phạm xâm hại trẻ em, có đến 70% số vụ trẻ em (cả nam và nữ) bị xâm hại tình dục.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, đã có gần 10.000 nạn nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của “tảng băng” bởi có rất nhiều cơ quan chức năng che giấu hoặc thờ ơ với thực trạng này để “làm đẹp báo cáo”.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó có ý kiến cho rằng tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em không được quan tâm đúng mức, các mức án dành cho kẻ phạm tội quá nhẹ nên không có tính răn đe.

Mức án mà luật pháp dành cho kẻ thực hiện hành vi xâm hại trẻ em có cao đến mấy cũng không bù lại được nỗi đau mà các em và gia đình phải gánh chịu. Nhiều gia đình tán gia bại sản vì tiền làm ra đều đổ vào điều trị tâm lý, các di chứng nặng nề cho con em mình hoặc phải bỏ đi nơi khác sống. Nhiều em không thể tiếp tục đến trường vì bị bạn bè chê cười, vì ám ảnh. Thậm chí, có em bị tước đoạt thiên chức làm mẹ. Như trường hợp một bé gái ở Hòa Bình, chỉ mới 12 tuổi bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Gia đình quyết định đưa bé đi phá thai nhưng do bệnh viện làm ẩu nên cô bé bị sót nhau, rồi nhiễm trùng, phải cắt dạ con, mất đi vĩnh viễn thiên chức làm mẹ.

Nạn xâm hại trẻ em có thể gõ cửa bất cứ gia đình nào nên cứ mỗi lần một vụ việc được đưa ra ánh sáng, vành đai ngăn cách con trẻ với thế giới bên ngoài lại được siết chặt thêm một chút. Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, trẻ em Việt dễ bị xâm hại tình dục hơn so với trẻ em các nước trên thế giới bởi người Việt hay có thói quen sờ “chim” bé trai, ôm hôn, đụng chạm các bé quá đà... Và thủ phạm gần hơn chúng ta tưởng, khi có thể là anh em trong gia đình, người quen của bố mẹ, thầy, cô giáo ở trường...

Một điều lạ lùng là khi con bị xâm hại, nhiều bố mẹ vì sĩ diện, vì không muốn ảnh hưởng đến tương lai của con mà chọn cách im lặng khiến kẻ xấu cứ tiếp tục tung hoành. Trẻ em là để yêu thương. Do vậy, trong khi chờ đợi sự vào cuộc riết ráo của luật pháp thì chính phụ huynh cần tự trang bị cho con những bài học để bảo vệ thân thể…

CHIÊU ANH

.