Y tế - Sức khỏe

Phương hay Thuốc quý

Thuốc và thực phẩm từ Xương rồng bà

06:34, 17/04/2016 (GMT+7)

Nhắc đến cây xương rồng, tôi thường nhớ đến bài thơ của Phùng Quán: “Cây chi cây lạ lùng/ Không cành cũng không lá/ Toàn những thân với thân!/ Mà thân thì dựng ngược/ Như gậy gộc nghĩa quân/ Toàn những góc với cạnh/ Lại tua tủa gai chông!/ Nhựa độc hơn bọ nẹt/ Gai buốt nhọn hơn gươm/ Người nghèo đem luộc kỹ/ Ăn lại lành thay cơm!...”.

Xương rồng bà gai đơn - Opuntia monacantha. (Ảnh: Internet)
Xương rồng bà gai đơn - Opuntia monacantha. (Ảnh: Internet)

Từ điển cây thuốc Việt Nam có phân biệt hai loài  Xương rồng bà:  Xương rồng bà có gai - Opuntia dillenii và Xương rồng bà gai đơn - Opuntia monacantha, đều thuộc họ Xương rồng - Cactaceae. Tuy nhiên,  theo Trung dược đại từ điển thì cả hai loài này đều được dùng như nhau trong mục từ chung là Tiên nhân chưởng (仙人掌).

Xương rồng bà có gai là cây nhỏ cao 0,5-2m; thân tạo thành từ các lóng dẹp hình cái vợt bóng bàn dài 15-20cm, rộng 4-10cm; màu xanh nhạt, mang núm với 3-8 gai, gai to với sọc ngang, dài 1-4cm. Lá nhỏ dễ rụng. Hoa vàng rồi đỏ, to; phiến hoa nhiều, nhị nhiều với chỉ nhị hồng hay đỏ; bầu dưới. Quả mọng to 4-5cm, màu đỏ đậm. Xương rồng bà gai đơn có gai nhỏ nhọn mọc đơn độc trên thân gồm nhiều khúc dẹp hình mái chèo liên tiếp nối theo nhau.

Xương rồng bà có nguồn gốc ở châu Mỹ, được nhập trồng khoảng thế kỷ thứ 17, nay trở thành hoang dại, rất thông thường trên đất cát hoang dọc bờ biển. Người ta thu hái toàn cây và rễ quanh năm.

Theo Đông y,  Xương rồng bà vị đắng, tính lạnh; có tác dụng hành khí hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu thũng, kiện vị, giảm đau, cầm ho.

Ở nước ta, dân gian chủ yếu dùng cành có nhựa chữa mụn nhọt, nhất là nhọt mủ, đầu đinh. Lấy một khúc cành xương rồng bà, cạo sạch gai, giã nát với lá ớt, lá mồng tơi đem rịt vào chỗ sưng. Nếu có mủ, mụn sẽ vỡ nhanh.

Ở Trung Quốc, rễ và thân được dùng chữa tâm vị khí thống, bệnh lỵ, trĩ ra máu, ho, đau họng, nhọt ở phổi, sưng vú, đinh sang, bỏng lửa và rắn cắn. Ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), người ta dùng toàn cây và rễ chữa viêm loét dạ dày - hành tá tràng, lỵ cấp tính, ho; dùng ngoài trị viêm tuyến mang tai truyền nhiễm, viêm tuyến vú, ung tiết thũng độc và bỏng.

Bài thuốc có Xương rồng bà

1. Trị đau dạ dày lâu ngày: Rễ xương rồng bà 30-60g, hầm với dạ dày heo ăn.

2. Trị viêm loét dạ dày, tá tràng: Xương rồng bà 30g, xắt nhỏ, thêm 60g thịt bò xào ăn. Một phương khác dùng Xương rồng bà gọt gai, xắt lát phơi khô, nghiền bột. Mỗi lần uống 1g lúc bụng đói, ngày 2 lần. nếu ợ chua nhiều uống thêm 3g bột Ô tặc cốt (nang mực nung tán bột). Liệu trình điều trị 21 ngày.

3. Trị đau bụng, lách sưng u cục: Xương rồng bà tươi 100g, cạo bỏ gai vỏ ngoài, xắt nhỏ, hấp cách thủy với thịt ăn; bên ngoài dùng xương rồng bà giã nát, hòa rượu xào nóng, đắp bên ngoài chỗ đau.

4. Trị bệnh lỵ trực khuẩn cấp tính: Xương rồng bà tươi 30-60g, sắc uống.

5. Trị trĩ xuất huyết: Xương rồng bà và Cam thảo, ngâm rượu uống.

6. Trị suyễn, hen phế quản: Xương rồng bà gọt bỏ vỏ và gai, tẩm mật ong nướng chín ăn, mỗi ngày 1 lần, lượng cỡ bằng nửa nắm tay người bệnh, khi hết triệu chứng thì ngưng dùng.

7. Trị hồi hộp mất ngủ: Xương rồng bà 60g, giã vắt nước thêm đường kính và nước khuấy uống.

8. Trụ mụt nhọt xuyên thấu bàn tay, bàn chân: Xương rồng bà tươi và bột mì lượng vừa đủ giã nát rịt vào chỗ đau.

9. Trị nhọt vú mới phát, sưng đỏ đau nhức: Xương rồng bà hơ nóng chườm vào. Phương pháp này cũng trị được mụn cóc trong lòng bàn chân và gót chân.

10. Trị viêm mang tai (quai bị), viêm tuyến vú, nhọt độc sưng đau: Xương rồng bà 2-3 bẹ, gọt gai giã nhuyễn, hòa thêm 50ml cồn 95o  rịt vào chỗ đau ngày 2 lần, liên tục 2-3 ngày.

11. Trị chàm lỡ, chảy dịch vàng: Xương rồng bà, sấy khô nghiền bột, rắc lên vết thương.

12.  Trị trẻ em chốc đầu: Xương rồng bà sấy khô tán bột, hòa dầu mè bôi.

13. Trị bỏng: Xương rồng bà gọt vỏ ngoài, giã nát đắp lên vết thương, dùng gạc băng lại.

14. Trị rắn rít côn trùng cắn: Xương rồng bà giã nát đắp vết cắn.

15. Trị ho, đàm vàng: Xương rồng bà tươi 60g, sắc phân 2 lần uống trong ngày.

Các bài thuốc trên được dịch từ Trung dược đại từ điển Dân gian bách thảo lương phương. Theo khảo sát của chúng tôi, tài liệu dược liệu Việt Nam ít phổ biến kinh nghiệm dùng xương rồng bà làm thuốc uống trong, tuy nhiên theo kinh nghiệm dân gian, như nhà thơ Phùng Quán ghi nhận trong bài thơ nói trên, nhân dân duyên hải miền Trung  thường dùng xương rồng bà gọt bỏ vỏ xanh và gai, xắt mỏng, rửa sạch mủ để chế biến các món ăn như canh, xào, nộm,… rất ngon lành, hấp dẫn.

Đáng lưu ý, theo kết quả nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy  xương rồng là thực phẩm giàu dinh dưỡng và lượng chất xơ trong xương rồng có thể giúp đốt cháy hơn 30% chất béo so với các chất xơ khác. Do đó, dù đời sống hiện nay không còn đói kém như trước đây, nhưng vẫn nên “ăn xương rồng thay cơm” để giảm béo, kiểm soát lượng đường và mỡ trong máu, cải thiện sức đề kháng, ngăn ngừa ung thư dạ dày, đại tràng và chống táo bón rất hiệu quả.

PHAN CÔNG TUẤN

.